Bước Tìm Hiểu Trong Tình Yêu
LỜI TỰA
Trãi qua nhiều năm trong chức vụ một Mục sư trẻ tuổi, tôi đã dành nhiều thì giờ để hướng dẫn và khải đạo cho các học sinh và sinh viên trẻ. Họ có nhiều nan đề liên hệ đến giai đoạn tìm hiểu trong tình yêu. Thường thì sau khi giúp họ giải quyết những nan đề, tôi hay nghe họ thốt lên “Sao trước đây chẳng ai nói cho tôi nghe về điều nầy hết?”
Lần nào cũng vậy, tôi ước ao có thể tìm được một quyển sách hay một tập phụ trương nhỏ nào đó để giới thiệu cho họ, nhằm đem đến sự giúp đỡ tối cần. Nhưng thật thất vọng, vì hầu hết những quyển sách có được đều không dựa trên sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Còn những quyển khác, do các tác giả Cơ Đốc phương Tây viết, lại dựa trên nền tảng văn hoá Tây phương nên phần lớn không thích hợp với lối sống của người Philippine. Cuối cùng, đây chính là quyển tôi đang mong đợi.
Tôi tin rằng cả thanh niên lẫn các bậc phụ huynh sẽ hoan nghênh quyển sách của bà Evelyn Miranda Feliciano. Được viết bằng ngôn từ rõ ràng, dễ hiểu theo nếp nghĩ của người Philippine, quyển “Bước Tìm hiểu trong Tình Yêu” là quyển chỉ nam của thanh niên Philippine. Với kinh nghiệm giảng dạy tích luỹ từ Viện Truyền giáo Philippine và trong sự dấn thân phục vụ giữa vòng học sinh, sinh viên, bà Feliciano có đủ khả năng để áp dụng nguyên tắc Thánh Kinh vào những vấn đề thường gặp ở giới trẻ. Với những tình huống đời thật, độc giả sẽ dễ dàng nhận ra rằng quyển sách không phải chỉ mang tính lý thuyết nhưng liên hệ những kinh nghiệm rất thật trong cuộc sống hằng ngày. Tôi tin rằng với sự hỗ trợ của quyển sách này, các bạn trẻ sẽ tránh được nhiều tình huống đau lòng.
Fred M. Magbanua, Jr.
Tác giả: Evelyn Miranda Feliciano
Nội dung
- Tình Yêu Giả Tạo
- Chiều Kích Thật Sự của Tình Yêu
- Không Chỉ là Ham Muốn Nhất Thời
- Tìm Hiểu Nhau
- Chúa ôi, Bối Rối quá!
- Có phải Chúng Mình là Của Nhau không?
- Có phải Hẹn Hò là Âu Yếm không?
- Niềm Tin và “Mốt”
- Xin Hãy Bỏ Tay Ra!
- Bỏ Trốn Gia Đình hay Sống Thử Với Nhau?
Tình Yêu Giả Tạo
Bên ngoài, trời se lạnh. Thành phố Sagay đang say trong giấc ngủ – đã khuya lắm rồi. Jun trở mình trên chiếc giường kêu cót két. Ánh sáng từ ngọn đèn đường bên ngoài hắt vào lung linh trên trần nhà như hình ảnh tươi cười của Gloria. Ôi, sao mà anh muốn gặp cô thế, muốn được ở bên cô và có lẽ, ôm cô trong tay. Ừ, tại sao không nhỉ? Jun vọt ra khỏi giường, vơ lấy cái quần và chiếc áo sơ mi máng bên chiếc gương. Anh mặc vội vào và rón rén đi xuống tầng dưới.
Rex, người bạn thân nhất của anh, phản kháng trong cơn ngái ngủ: “Cậu có điên không? Làm sao cậu có thể gặp Gloria vào cái giờ khuya lơ khuya lắc này? Bộ cậu muốn cả hai đứa mình bị bố em bắn chết à?”
Jun chống chế: “Tớ biết, nhưng tụi mình có thể ngồi ở trạm chờ xe bên kia đường nhìn sang nhà em chứ phải không Rex?” Jun vừa nói vừa bóp chặt cánh tay anh bạn thân, “Chỉ cần biết em có ở đó là tớ cũng thấy được an ủi nhiều rồi”. Mắt Jun mơ màng nhìn lên trời, tay xoa ngực như muốn làm dịu bớt một nỗi đau mơ hồ nào đó.
Rex chỉ còn biết gãi đầu trước “cơn điên” bất chợt của bạn.
Chữ “tình yêu” gợi lên trong tâm trí nhiều hình ảnh, nhiều ấn tượng và cảm xúc khác nhau. Nó có thể gợi cho ta nhớ mũi tên của thần Cupid ghim hai quả tim lại với nhau hoặc hình bóng dịu dàng của một đôi trai gái in trên nền trời hồng sẫm dọc theo bức tường công viên Rizal. Hay hương thơm thoang thoảng của ba cánh hồng đỏ thắm đang vươn cao trong chiếc bình hoa. Cũng có thể là một mặt dây chuyền chứa đựng những hình ảnh được ấp ủ gần con tim của chúng ta, hay chiếc nhẫn lóng lánh mà ta thường đưa lên môi mình. Đôi khi lại là một sự đụng chạm làm ta cảm thấy ấm áp, rạo rực và đầy hứa hẹn…
Kinh nghiệm của chúng ta trong tình yêu là những từng trãi vừa thoả lòng vừa bực dọc, có cả vui sướng lẫn phiền muộn. Tình yêu là mối tương giao đến từ Đức Chúa Trời như là một món quà thiêng liêng mà Ngài ban cho trần gian, nhưng nó có thể đem đến cho thế giới của chúng ta màu sắc của ánh nắng và cầu vồng cũng như bóng tối và tuyệt vọng. Tình yêu vốn thật đẹp đẽ, nó đem lại niềm vui, sức mạnh và hoàn thiện nhân cách của chúng ta. Tình yêu soi sáng cuộc sống, mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta. Và nó đồng thời là đặc quyền và trách nhiệm.
Tuy nhiên, với nhiều người trong chúng ta, những ai đã từng bị đau khổ hoặc có lẽ đã từng làm người khác đau khổ, hai chữ “tình yêu” như một lưỡi dao nhọn luôn gây ra thương tích. Nó làm tâm hồn ta đau đớn và khiến mắt ta ứa lệ. Nó làm gợi nhớ đến một bức thư đoạn tuyệt với những lời lẽ cộc lốc, xa lạ và dứt khoát. Hay một món quà gói trọn tình yêu bị hất hủi và gửi trả lại không đoái hoài tới. Hoặc về lần đối thoại đầy cay đắng, theo sau là một sự câm lặng và một lần chia tay không lời. Nó dường như là một cái gì đó chứ không phải là tình yêu.
Nếu tình yêu mang đến nhiều hứa hẹn, tại sao chúng ta thường kinh nghiệm sự đớn đau và thất vọng? Vì sao những nỗi đau vẫn dai dẳng dù trải qua nhiều thời gian? Tại sao chúng ta không biết yêu như chúng ta đáng phải yêu?
Vấn đề là do tội lỗi. Tội lỗi từng bóp méo nhiều phương diện của cuộc sống chúng ta thì nó cũng phá hỏng mối tương quan giữa chúng ta với người khác. Cũng vậy, tình yêu của chúng ta bị tính ích kỷ làm hư hoại. Thay vì những đức tính chia xẻ, ban cho, chúng ta cứ hướng tình yêu mình đến chỗ phục vụ cho bản ngã. Ngày nay, điều mà đa số bạn trẻ cho là tình yêu thì chỉ đơn thuần là một cái bóng mập mờ của tình yêu chân thật, hay tệ hơn, đó hoàn toàn chỉ là một thứ tình yêu giả tạo.
Chúng ta hãy làm sáng tỏ vài ý tưởng về những điều không phải là tình yêu!
- Không phải là Tình Yêu nếu chỉ dựa trên cảm xúc và sự thoả mãn tình dục.
Jun cho rằng mình đang yêu. Anh ta cảm thấy điều ấy – cái cảm xúc vô cùng thích thú
– ở sâu trong lồng ngực mình. Một sự rung động mà anh cảm thấy không kiểm soát được. Những nhịp tim anh trở nên dồn dập rồi như chợt ngưng lại mỗi khi anh nghe giọng nói của Gloria hay khi trông thấy bóng dáng cô. Hơn thế nữa, luôn có một ước muốn rạo rực không diễn tả nổi mỗi khi cô ở gần anh hay khi tay hai người chạm nhau. Những lúc như thế anh muốn chiếm hữu cô, hoàn toàn chinh phục cô trên phương diện thể xác, giống như những diễn viên được anh mến mộ vẫn làm với người tình của họ trên màn ảnh. Nhiều lần, cái khát vọng đó quá mạnh đến nỗi Jun nghĩ rằng anh sắp bùng nổ, hoặc chết trong thèm muốn.
Jun phản ảnh điều chúng ta thường thấy phủ đầy trên những chiếc xe jeepney muôn màu: những tấm áp phích dán ngang dọc trên kính chắn gió với hàng chữ: TÌNH YÊU LÀ MỘT CẢM XÚC TUYỆT VỜI. Và đúng như thế, từ trẻ đến già đều tin như vậy. Ý tưởng cho rằng trong tình yêu cảm xúc là tất cả thường được củng cố trong nhiều bộ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện hài chúng ta đã đọc, qua những bản nhạc chúng ta hay nghe và trong những cuốn phim chúng ta thường xem.
Nhưng thế thì điều ấy có gì sai trật? Nếu chúng ta lấy cảm xúc làm nền tảng cho tình yêu, chúng ta đã phạm một sai lầm vô cùng to lớn. Cảm xúc sẽ qua đi và chóng tàn. Nó thay đổi theo những trạng thái và hoàn cảnh trong cuộc sống – nó có thể là niềm hạnh phúc hay là cơn giận dữ, nỗi sợ hãi hay niềm thương mến. Cái “cảm xúc tình yêu” của chúng ta phồng lên và xẹp xuống. Thường thì trong lứa tuổi thiếu niên, “cảm xúc” sớm tiêu tan. Chẳng hạn, điều gì sẽ xảy ra nếu hai người có quan hệ tình dục hoặc kết hôn với nhau lúc “cảm xúc tình yêu” dành cho nhau lên đến tuyệt đỉnh và rồi sau đó khám phá ra cảm xúc không còn nữa? Một trong số bốn cuộc hôn nhân tại Mỹ kết thúc bằng ly dị chính vì họ đã lấy “cảm xúc tuyệt vời” ấy làm nền tảng cho tình yêu. Ngay tại đất nước chúng ta, nhiều cuộc hôn nhân chỉ dựa trên “cảm xúc tình yêu” của các thiếu niên và thậm chí người trưởng thành đã tan vỡ sau vài năm sống với tâm trạng phấn chấn.
Sự thật là, cảm xúc ấy thường phản ảnh những đòi hỏi tình dục. Có một ý kiến khá phổ biến cho rằng bởi vì tình yêu là “cơn sốt trong lồng ngực” nên nó phải được thỏa mãn, bất kể hậu quả ra sao. Nếu nó bị đè nén, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bất bình thường hoặc căng thẳng. Có thể cho là điều này đúng với nam giới hơn với nữ giới. Đó là lý do tại sao người nam thường bị thôi thúc tìm kiếm những từng trãi tình dục trước khi kết hôn. Đây cũng là lý do đưa đến câu hỏi dai dẳng từ những bạn trẻ: “Tình dục có ảnh hưởng hệ trọng đối với sức khỏe không?”
Cốt lõi của vấn đề là cái tư tưởng cho rằng tình yêu chỉ thuần túy là tình dục. Nhiều bạn trẻ dùng điều ấy như một thử nghiệm để xem người yêu có thật sự yêu mình không. Họ bảo: “Hãy chứng tỏ đi, nếu em yêu anh, hãy cho anh hôn. Hãy cho anh vuốt ve em. Nếu em yêu anh thì chúng mình hãy làm thế đi!” Có bao nhiêu thanh niên, thiếu nữ nhẹ dạ đã phải chịu đựng hậu quả suốt đời chỉ vì chứng tỏ tình yêu quá sớm?
Một đôi lứa dùng tình dục ngoài hôn nhân, nhằm chứng minh hay bày tỏ tình yêu của họ cho nhau, chỉ cho thấy họ yêu nhau quá ít mà thôi. Ông Trobisch viết: “Nếu cả hai người nghĩ rằng: ”Tối nay chúng tôi phải chung đụng thể xác – nếu không người tình của tôi sẽ nghĩ rằng tôi không yêu anh ấy hoặc anh ấy không yêu tôi”, chính nỗi lo có thể bị thất bại cũng đủ để ngăn cản thành công của thí nghiệm. Tình dục không phải là sự thử nghiệm của tình yêu, bởi vì rõ ràng là chính cái điều được đem ra thử nghiệm đó sẽ bị hủy hoại khi thử nghiệm.”
“Hãy thử quan sát mình trong khi ngủ đi. Hoặc là bạn tự quan sát mình, bạn sẽ không ngủ. Hoặc là bạn cứ ngủ và không quan sát được chính mình.” Ông Trobisch viết tiếp: “Cũng tương tự như vậy với việc lấy tình dục thử nghiệm tình yêu. Bạn thử tức là bạn không yêu. Còn nếu bạn yêu thì bạn sẽ không dùng tình dục làm thí nghiệm.”
Ở đây không có ý nói rằng tình dục là cái gì đó nhục nhã hay đáng hổ thẹn. Trong một bối cảnh chính đáng thì tình dục sẽ rất tốt đẹp. Không có gì xấu xa hay dơ bẩn trong đó cả. Đức Chúa Trời không hề dựng nên người nam và người nữ, giống cái và giống đực để rồi phải sống đơn độc. Chương trình của Ngài là chúng ta sẽ tìm được sự hợp nhất trong tình cảm, tâm linh và tinh thần với người sẽ bổ sung cho nhân cách của chúng ta. Và trong hôn nhân, mối tương giao ấy được củng cố bằng sự hiệp một trong quan hệ tình dục. Cho nên quan hệ tình dục tùy thuộc vào một điều kiện không hề thay đổi là nó chỉ được tồn tại trong sự thánh khiết của hôn nhân mà thôi.
Tình dục ngoài hôn nhân cũng có thể đem đến sự thích thú, nhưng rồi cảm giác ấy rất chóng qua. Sau đó nó thường dẫn đến hậu quả là sự hổ thẹn, ngượng ngùng và mặc cảm phạm tội. Không có một người đàn ông hay phụ nữ đứng đắn nào có thể thoát khỏi cảm giác mất mát và cô đơn sâu kín trong tâm hồn sau một quan hệ tình dục vội vã, vụng trộm. “Mặc cảm phạm tội” ấy cho thấy tình dục đúng là chỉ thuộc về một chỗ duy nhất của nó là mối quan hệ hôn nhân thiêng liêng và lâu dài, ngoài ra không có chỗ nào khác cả.
Vì đỉnh cao của tình dục không chỉ giới hạn ở sự quan hệ xác thịt. Nó còn nhiều và nhiều điều cao hơn nữa. Đó là sự tương giao chân thật, những hành động yêu thương và
nhân ái, sự tôn trọng lẫn nhau và một mối quan hệ vui thỏa giữa vợ chồng. Đó chính là một mái ấm gia đình; với con cái quây quần bên nhau, ngập tràn trong hạnh phúc và tiếng cười.
Vì thế, tình yêu không thể chỉ là cảm xúc và tình dục mà thôi
2. Không phải là tình yêu nếu chỉ nhằm mục đích vật chất.
Ruby là một thiếu nữ 18 tuổi xinh xắn, hấp dẫn. Cô cho rằng mình yêu anh Ernie 30 tuổi. Tính cách chững chạc và đáng tin cậy của anh thật thu hút. Anh lại còn lịch lãm, ân cần và rất hào phóng. Mọi sự bắt đầu bằng việc anh cho cô đi nhờ trên chiếc xe jeep với một lý do rất tự nhiên: “Ồ, tôi tiện đường đi ngang, cô có muốn…?” Và bởi vì tiền bố mẹ cho cô hàng tháng cũng ít ỏi, cô rất cảm kích lòng tốt của anh. Rồi khi tình bạn của họ chín mùi, Ernie thường dúi vào quyển sổ tay của cô chút gì đó để ăn quà hay cho một dự tính nào đó của cô, và dần dà là tiền đóng học phí mỗi khi tiền nhà gửi lên chưa kịp. Sau đó là những món quà: từ ống kem đánh răng cho đến giày dép, áo quần, kể cả những đồ dùng riêng tư mà Ruby rất cần.
Làm sao người ta có thể làm cho một người đàn ông rộng lượng như thế bị thất vọng? Ernie thật đáng yêu. Đến một lúc Ruby đáp lại bằng cái điều duy nhất cô nghĩ rằng mình có thể hiến dâng. Cô hiến thân cho Ernie và trở thành một gái bao. Đối với mọi người, thì đây là một cuộc phiêu lưu tình ái nhằm giải quyết cho những khoản cần thiết trong việc học hành. Thế nhưng những người trong cuộc không thích gọi mối quan hệ của họ là một quan hệ có tính cách “trao đổi”. Họ cho rằng họ làm thế vì họ đang thật sự yêu nhau. Còn ai có thể bàn cãi gì được nào?
Không may, Ruby có thai. Cô phải nghỉ học và chẳng bao lâu bố mẹ cô hay biết về cuộc tình nhớp nhúa ấy. Ernie cũng từ từ rút lui, vì vợ anh theo sát nút. Rồi thì câu chuyện trở nên phức tạp hơn bất cứ một vở kịch dài nhiều màn nào trên truyền hình.
Mối quan hệ với “người bảo trợ” là một hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến. Điều đáng thương là mối quan hệ đó lại được mạo nhận là “quan hệ yêu đương”. Vì sợi dây ràng buộc không đủ mạnh để dẫn đến một quyết định công khai gắn bó với nhau suốt đời, và vì mối tương quan nầy thiếu chiều sâu của sự tôn trọng và tin cậy chân thật mà hôn nhân đòi hỏi, cho nên những mối ràng buộc dễ dàng chấm dứt ngay trước những dấu hiệu bất lợi đầu tiên, hay theo ý thích tùy hứng của phía mạnh hơn. Bi kịch là ở chỗ bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể sẵn sàng trao tình yêu chân thật để đổi lấy một chút gì đó thoải mái, dễ chịu và tiện nghi của cuộc sống
3. Không phải là tình yêu nếu chỉ là sự cố gắng để giống người khác.
Mối quan hệ được Chúa chúc phước này không thể bị hạ thấp xuống đến mức được coi như một lớp ngụy trang giữa xã hội. Con người là một thực thể xã hội và sự thúc ép phải hòa nhập với những bạn đồng lứa hay với xã hội nói chung là điều dễ hiểu. Những nhóm đặc biệt hay các băng đảng, nhất là trong vòng giới trẻ, thường duy trì những biểu hiện riêng biệt nào đó để phân biệt mình với những người khác. Đó có thể là ngôn từ, là trang phục hoặc những mối quan hệ. Câu chuyện về “ngũ quái” là một điển hình.
Gary, Pete, Manny, Joey và Les được người ta chú ý vì cách phục sức lố lăng, lối để tóc du côn và những cô bồ của họ. Bạn gái là “nhu cầu” để tạo tên tuổi nên bất cứ anh chàng tự trọng nào cũng phải có một cô. Manny, anh chàng nhút nhát nhất bọn và cũng là người ít để ý đến con gái nhất luôn bị chọc ghẹo, bị thúc đẩy và “dàn dựng” để kiếm một cuộc tình. Chàng ta kết với Gina, lúc đầu chỉ miễn cưỡng, nhưng rồi từ từ đâm ra thích mối quan hệ ấy. Gina vui tính, hòa đồng và khá thông minh. Từ khi hai người cặp với nhau, cô trở thành cửa ngõ dẫn anh ta vào những buổi tiệc tùng và những hoạt động khác ở trường. Manny cũng thấy ngạc nhiên về sự nổi tiếng và uy tín của mình khi có Gina bên cạnh.
Manny mến Gina lắm và rất thích sự hiện diện sôi nổi của cô nhưng để nói rằng anh ta yêu cô lại là một chuyện khác. Dĩ nhiên anh ta có tuyên bố tình yêu của mình đối với cô, vì nếu không làm sao họ có thể cặp bồ với nhau? Nhưng đó chỉ là việc anh cần chứng tỏ với nhóm bạn, còn ngoài ra chẳng là gì đối với anh. Gina rất gợi cảm, rõ ràng là như vậy, nhưng thành thật mà nói, Manny không bị hấp dẫn lắm về phương diện xác thịt đối với cô. Bây giờ Manny bắt đầu suy nghĩ: “Đây là tình yêu, tình bạn hay là gì khác?” Còn về vấn đề sẽ cưới Gina trong tương lai ư, điều ấy chưa bao giờ thoáng qua trong óc chàng ta.
Nhiều quan hệ nam nữ cũng ở trong dạng của Manny. Hầu như ai cũng có bạn trai hay bạn gái, như vậy đó chắc phải là điều đúng thôi. Và lý trí đồng ý “tôi cũng phải có”. Thanh niên không muốn bị xem là lại cái hay đồng tính luyến ái, thiếu nữ cũng không muốn bị gọi là “gái già”, cho nên ai cũng phải cố mà kết mô-đen với một người. Điều ấy trở thành một cuộc chơi tưởng tượng như để tự khẳng định bản thân trên phương diện tình cảm hay để gây uy tín với bạn bè. Tình yêu được tuyên bố một cách vô tội vạ với những lý lẽ có vẻ không đáng yêu tí nào. Có thể trong dạng quan hệ nầy, thực sự có một sự ưa thích lẫn nhau, nhưng không đủ sâu đậm để xứng đáng được gọi là một tình yêu trung thực và chân thành. Không hề có một mối tương giao sâu sắc, chỉ là một sự ràng buộc tạm thời. Không có sự chia xẻ toàn tâm toàn ý, chỉ là những biểu hiện ân cần, không có quan tâm sâu xa, chỉ là chú ý giả tạo. Tất cả mọi thứ khác cũng chỉ nhằm để “trình diễn” mà thôi.
Chiều Kích Thật của Tình Yêu
Như vậy thì tình yêu chân thật là gì? Điều gì là tiêu chuẩn cho Cơ Đốc nhân trong lãnh vực tình yêu?
Bản chất của tình yêu chân chính cao hơn cảm xúc, hơn sự hấp dẫn về xác thịt và tình dục, hơn tất cả mọi sự, mọi tình huống mà chúng ta có thể liên tưởng đến khi nghĩ đến tình yêu. Tình yêu chân chính bao gồm những phẩm chất đạo đức. Phaolô định nghĩa tình yêu cách đơn giản và hùng hồn trong ICo 13:4-8
Tình yêu hay nhẫn nại và nhân từ tình yêu không ghen tị
không khoe mình hoặc kiêu căng;
tình yêu không khiếm nhã, không ích kỷ
không nhạy giận
tình yêu không nhớ mãi những lỗi lầm; tình yêu không vui vì điều ác;
nhưng vui trong sự thật.
Tình yêu không bao giờ bỏ cuộc; niềm tin
hi vọng
và sự kiên nhẫn của tình yêu
không bao giờ mất đi.
Tình yêu trường tồn bất diệt.
Điều mà Phaolô đặt ra cho chúng ta hoàn toàn khác với ý niệm về tình yêu của thế gian. Trong khi thế gian xem tình yêu là một nỗi đam mê ngự trị con người và phải được thỏa mãn bằng mọi giá thì Thánh Kinh cho thấy rằng tình yêu phải được kềm chế, khép vào kỷ luật và biết chờ đợi. Tình yêu đặt nặng hạnh phúc và lợi ích của người khác cho nên tình yêu độ lượng và hữu ích. Tình yêu không hề khoe khoang về thành tích xác thịt hay quyền lực chế ngự ai vì tình yêu không bao giờ mắc sai phạm lợi dụng người khác. Tình yêu rất đứng đắn, thận trọng và chính chắn.
Tình yêu chân chính tôn trọng nhân cách và quyền lợi của người được yêu. Tình yêu không xử sự khiếm nhã hay làm bất cứ điều gì khiến người khác phải “xấu hổ đỏ mặt”. Tình yêu hướng đến sự chân thật và trong sáng. Sự mập mờ và giả tạo là những khái
niệm hoàn toàn xa lạ trong tình yêu. Khi gặp khó khăn và những rắc rối trong cuộc sống, tình yêu càng trở nên vững vàng, không sụp đổ hay thối lui. Ngược lại, tình yêu gắn liền với niềm tin và hy vọng. Đây chính là loại tình yêu Đức Chúa Trời muốn chúng ta có trong mối tương quan giữa chúng ta với Ngài và tha nhân. Đây cũng là loại tình yêu đưa đến những cuộc hôn nhân tốt đẹp, tràn đầy hạnh phúc qua năm tháng.
Nhưng tình yêu như vậy thì không đến dễ dàng. Phẩm chất của tình yêu mà Phaolô mô tả chỉ có thể đến từ thiên thượng. Tình yêu của con người thường hướng về những ham muốn ích kỷ của xác thịt và những dục vọng tối tăm. Tình yêu ấy cần được phục hồi và thanh tẩy bởi quyền năng của Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Điều nầy đòi hỏi chúng ta phải đến với Chúa một cách cá nhân, nhận biết rằng tội lỗi đã phá hỏng cuộc đời mình và thừa nhận chúng ta là những con người không xứng đáng.
Trong Đấng Christ, cho dù cuộc sống có thể vẫn ngắn ngủi và đầy dẫy khó khăn, nhưng vô cùng sống động và tự do. “Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do” (Gi 8:36). Tự do khỏi sự giả tạo, tự do khỏi tội lỗi, tự do khỏi sự sợ hãi bên trong và bên ngoài. Chúng ta được tự do là chính mình, tự do làm điều tốt và tự do yêu tha nhân.
Đây là lời làm chứng của Evelyn sau khi cô đã tiếp nhận Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa của đời mình. Cô viết:
“Sau khi tin Chúa năm 14 tuổi, đời sống Cơ Đốc hữu danh vô thực của tôi cứ trôi theo những cơn lốc của các sinh hoạt trong Hội Thánh. Tôi cũng phải giữ cho cái mác tôn giáo của tôi không bị ô nhiễm với ”những bợn nhơ của thế gian”. Hội Thánh của tôi rất khắc khe trong sự dạy dỗ, và chúng tôi, những người trẻ, phải luôn ở bên trong những rào cản để giữ cho nếp sống được ngay thẳng và đứng đắn. Nghĩa là có rất nhiều điều cấm kỵ đối với chúng tôi.
“Trong bối cảnh như vậy, tôi cho rằng một tín hữu được đánh giá trên những gì người ấy làm hay không làm, bất kể nội tâm người đó ra sao. Riêng tôi, tôi được xem là có ”triển vọng” nhưng trong thâm tâm, tôi chẳng hơn gì thứ rác rưởi. Tôi rất tự phụ, cứng cỏi và kiêu hãnh. Ngợi khen Chúa vì Ngài không để mặc tôi trong tình trạng ấy mãi mãi.
“Lúc tôi đang học năm thứ nhất đại học, một kỳ trại của Đoàn Sinh Viêni đã thay đổi toàn bộ quan điểm Cơ Đốc của tôi. Chính Đấng Christ, chứ không phải Hội Thánh, là Chủ của đời sống tôi. Ngài muốn chỉnh đốn lại hệ thống tư tưởng, thái độ, hành vi và nguyên tắc của tôi. Và nếu tôi bước xuống khỏi ngai lòng của mình, Ngài sẽ sẵn sàng kiểm soát hoàn toàn.
“Tôi thấy mình thật sự cần một sự tẩy thanh toàn bộ con người bên trong. Tôi cần được Chúa Jêsus sắp xếp lại những gì rời rạc, chắp vá trong tôi lại thành một con người hài hòa và toàn vẹn. Tôi đã quá mệt mỏi khi phải luôn sống trong giả dối.
“Cuối cùng, vào một buổi sáng lạnh giá, trong giờ Tĩnh Nguyện của Trại, tôi xin Chúa Jesus hãy chiếm hữu tôi. Từ đó trở đi, và mãi mãi, Ngài không những chỉ là Cứu Chúa mà còn là Chủ Tể của đời sống tôi. Như ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua đám
mây, một tia vui mừng chiếu sáng tâm hồn tôi. Sự chiếm hữu của Chúa là một sự giải thoát diệu kỳ đối với tôi”.
Chúa Jesus Christ không phải chỉ là một nhân vật tôn giáo khác thường. Ngài là Con Đức Chúa Trời. Cái chết của Ngài trên Thập Tự Giá phục hồi mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, cũng là Chúa của sự sống và tình yêu. Rồi Ngài đã sống lại từ trong cõi chết để ban cho những người đáp lại lời kêu gọi của Ngài một sự sống sâu nhiệm, giá trị và đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta phải đến với Chúa với lòng ăn năn và giải quyết mọi sự với Ngài cách cá nhân. Trước hết chúng ta cần phải thưa rằng: “Lạy Chúa, con cần Ngài. Con là một tội nhân. Xin làm chủ cuộc đời con”. Sự chân thành ấy sẽ làm đẹp lòng Cứu Chúa, Đấng đã hứa: “Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu” (Gi 6:37).
Lời làm chứng của Evelyn cho thấy rằng tiếp nhận Chúa Jesus Christ làm chủ cuộc đời có nghĩa là công nhận rằng chính Ngài có toàn quyền trên mọi lãnh vực của đời sống chúng ta. Đó là sự ý thức rằng thân thể, tâm linh, ý chí, tình cảm và trí tuệ của chúng ta đều thuộc về Ngài, và mối tương quan ấy phải được đặt dưới sự điều động của Ngài. Phaolô đã kêu gọi điều này đối với Cơ Đốc nhân trong Ro 12:1 khi ông viết: “Vậy hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em”.
Khi nghĩ về những điều Chúa đã làm cho chúng ta, đòi hỏi nầy có quá đáng không?
Thừa nhận chủ quyền của Đấng Christ có nghĩa là tình nguyện phó thác bản ngã và những gì thuộc về chúng ta cho Ngài. Chúng ta có quyền lựa chọn, nhưng chúng ta biết chắc rằng Đấng Christ cai quản đời sống chúng ta tốt đẹp hơn chúng ta nhiều, cho nên chúng ta hãy giao quyền tể trị cho Ngài. Như Evelyn đã diễn tả – bước xuống khỏi ngai lòng để Ngài có thể kiểm soát hoàn toàn.
Chúng ta hãy ghi nhớ điều này: Mối quan tâm của Đấng Christ đối với chúng ta không phải chỉ gói gọn trong sự cứu rỗi linh hồn. Ngài còn chú ý đến sự phát triển nhân cách chúng ta ngay từ bây giờ – sự triển khai tâm trí, chế ngự tình cảm, rèn luyện ý chí và phong cách chúng ta đối xử với tha nhân. Ngài lo lắng đến gia đình, nghề nghiệp và công việc của chúng ta. Ngài biết chúng ta cần yêu và cần được yêu. Ngài hiểu, cảm thông những thôi thúc tình dục trong chúng ta. Ngài thấy được ước muốn có người bạn đời của chúng ta. Và Ngài có thể đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta cách dư dật.
Chương 3: Không Chỉ Là Ham Muốn Nhất Thời
“Ở đâu, khi nào và làm thế nào tôi có thể tìm được người yêu dấu của tôi?” “Phương cách nào tốt nhất để lựa chọn người bạn đời?”
“Làm thế nào tôi nhận biết được khi một cô gái yêu tôi?”
“Làm sao tôi biết được anh ấy chính là người Chúa chọn cho tôi?”
Trên đây là những câu hỏi mà các bạn thanh niên Cơ Đốc hay hỏi trong những buổi hội thảo, kỳ trại hoặc những buổi nhóm thông công của giới trẻ. Câu hỏi đầu tiên đã tóm gọn những thắc mắc của nhiều người: Ở đâu? Khi nào? Làm cách nào?
Nelly là một thiếu nữ Cơ Đốc tốt. Cô đang học năm cuối tại trường Sư Phạm Âm Nhạc. Cô yêu tha thiết Joe, một nhân sự trẻ rất có triển vọng trong Hội Thánh. Bố mẹ Nelly không phản đối cuộc tình của họ. Tuy nhiên, ông bà khuyên cô nên học cho xong rồi hẳn tính gì thì tính. Không may, Nelly và Joe đều cảm thấy họ không thể đợi lâu hơn nữa. Nelly đoan chắc rằng sau khi kết hôn, cô vẫn có thể hoàn tất chương trình học. Đến lúc này thì bố mẹ Nelly công khai chống đối.
Bị lôi cuốn do mê đắm, Nelly đồng ý bỏ trốn theo người bạn trai. Bố mẹ cô đau khổ nhưng không thể làm gì khác là cho họ kết hôn ở nhà thờ. Dĩ nhiên cô không thể nào tiếp tục học được vì cô đã có thai. Rồi con cái cứ lần lượt ra đời gần như năm một. Chồng cô tỏ ra là một người bất tài và thiếu trách nhiệm. Cuộc sống cô bây giờ thật khốn khổ.
Khi nào tôi nên bắt đầu kết bạn?
Tôi xin trả lời: “Khi nào bạn sẵn sàng để kết hôn !”
Nhiều bạn trẻ sẽ phản đối: “Ồ, thôi nào, sao bà lại nói đến hôn nhân ở đây? chúng tôi chỉ thích cặp bồ thôi mà.”
Thế các bạn quan niệm “cặp bồ” là gì? “Bồ” là gì? Có thể có hai nghĩa trong từ này. “Bồ” là người mà bạn có thể gọi là “người yêu” – người bạn trai hay bạn gái của mình. Bạn có người bồ này vì xem ra đó là một cái “mode” mà mình phải có. Và ngoài ra, còn có một sự rung động hấp dẫn nếu có chàng hay nàng nữa, phải không nào? Nhưng sau một thời gian, cả hai người có thể chia tay vì đâu có ý định quan hệ nghiêm túc.
Trong trường hợp này, “cặp bồ” chỉ đơn thuần mang ý nghĩa có một cuộc tình mà kết cuộc có thể là mái ấm gia đình, mà cũng có thể không. Đây là quan niệm chung của các tác giả phương tây khi viết về chủ đề này.
Tuy nhiên, đối với nhiều người Philippine, “cặp bồ” là cái gì đó có ý nghĩa hơn và bền vững hơn. Nó chính là một quan hệ riêng tư đặc biệt với một người khác phái. Nó hứa hẹn một sự đính hôn và kết hôn trong tương lai.
Là người Cơ Đốc, chúng ta không chấp nhận nghĩa thứ nhất. Dùng người khác như một đồ vật, một trò chơi qua đường, hay một thú tiêu khiển để giết thì giờ thì quá thấp so với tiêu chuẩn của ICo 13:4-8. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta đùa giỡn với cảm xúc và tình cảm của người khác. Nhưng điều đáng buồn là có một số người xưng mình là Cơ
Đốc nhân lại phản ánh quan niệm thế gian này chẳng những trong lời nói mà còn trong hành động nữa.
Thanh niên Cơ Đốc đôi khi lại vấp ngay lối suy nghĩ này. Do ảnh hưởng của xã hội và thôi thúc của cảm xúc, họ thốt lên “Anh yêu em”, nhưng không hề chuẩn bị sẵn sàng cho bước tiếp theo là “Em có bằng lòng kết hôn với anh không?” Những người trẻ Cơ Đốc nào ý thức được sự chủ trị của Đấng Christ trong đời sống mình phải học cách phó thác tình cảm cho Ngài và biết chờ đợi đúng thời điểm để bày tỏ tình yêu của mình.
Joel không phải là một thanh niên xuất sắc. Anh chỉ nghiêm chỉnh mời Chúa vào làm chủ đời sống anh, kể cả tình yêu của anh. Trong khi theo học y khoa, anh để ý Rhoda, một nữ sinh viên Cơ Đốc đang học âm nhạc trong cùng Viện Đại Học với anh. Nhưng anh quyết định không thổ lộ cho cô hay bất cứ ai về tình cảm của mình. Anh cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu cô ấy chính là người mà Chúa muốn con chọn làm vợ, thì xin Ngài giữ cô ấy cho con cho đến khi con học xong y khoa.” Đức Chúa Trời đã đáp lời anh.
Năm năm sau anh mới có dịp thổ lộ tình yêu của mình với cô. Đến lúc đó thì không còn chút nghi ngờ nào trong tâm trí, họ biết mình là của nhau. Hiện nay, Joel và Rhoda sống sung sướng bên nhau, cùng hiệp một trong sự hầu việc Chúa, với ba cô con gái xinh xắn làm cho hạnh phúc tràn ngập gia đình.
Yêu thì được rồi, nhưng yêu cũng phải biết suy nghĩ và sẵn sàng chờ đợi. Có một điều thật rõ ràng, những cô bé, cậu bé học sinh và sinh viên Cơ Đốc nào vội vã muốn tìm biết xem người này hay người kia có phải là người bạn đời mà Đức Chúa Trời đã chọn cho mình không, thường không nhận được câu trả lời của Chúa vì một lẽ đơn giản: họ chưa thích ứng với hôn nhân. Chúng ta hãy đặt những điều ưu tiên của chúng ta theo thứ tự chính đáng. Trong khi còn ở ghế nhà trường, Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải học. Chúng ta và bố mẹ sẽ vui vẻ hơn, nếu chúng ta đầu tư công sức vào việc học cũng như kết thân với nhiều bạn hữu thay vì chỉ chú ý đến một hoặc hai người đặc biệt.
Trong khi đó, chúng ta cầu nguyện và chờ đợi. Một sự chờ đợi tin quyết nơi Đức Chúa Trời. Ngài thấu hiểu nhu cầu cần có người bạn đời của mỗi người cũng như Ngài đã từng hiểu và thỏa mãn nhu cầu ấy của Ađam trong buổi bình minh của sự sáng tạo. Đavít, tác giả Thi Thiên đã động viên chúng ta: “Hãy khoái lạc nơi Đức Giêhôva, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước. Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giêhôva. Và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy”
(Thi 37:4,5).
Tìm Hiểu Nhau
Đối với các bạn nam nữ thanh niên Cơ Đốc nào nghĩ đến hôn nhân một cách nghiêm túc, chúng tôi xin đề nghị năm bước sau:
- Cần có một thời gian tạo mối quan hệ tự nhiên, thân thiện với nhiều bạn nam và nữ thanh niên Cơ Đốc.
Bạn sẽ tìm được bạn bè trong phạm vi sinh hoạt của bạn – trong công việc, ở nhà thờ, ở trường và nhiều hoàn cảnh khác. Nếu thấy khó tìm bạn ở những nơi đó, bạn hãy chịu khó tham dự sinh hoạt, nhóm họp ở những nơi bạn có thể tạo mối quan hệ với nhiều người hơn. Có những buổi họp bạn, cắm trại, thông công, hội thảo và những hoạt động khác giúp chúng ta làm quen với nhiều bạn mới đồng thời cũng được nhiều người biết đến mình. Tham dự những nhóm học Kinh Thánh tại khu vực, gia nhập ban thanh niên hay nhóm sinh viên. Hãy xông xáo, tháo vác. Đừng than thân trách phận, như trường hợp có một cô nọ than mình chỉ có những bạn ngoài đời ái mộ mà không có người nào là tín hữu cả. Làm sao có được khi cô lười đi nhà thờ mà cũng không chịu tham dự những buổi nhóm thông công.
Tiến sĩ Isabelo Magalit cho rằng những buổi hội thảo rất hữu ích vì “nó tạo điều kiện cho mọi người bộc lộ tâm tư một cách cởi mở”i. Nhưng đồng thời ông cũng khuyến cáo: “Chúng ta phải cẩn thận đừng tập trung vào một người nào trừ phi chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm của hành động ấy. Chúng ta phải cố gắng tỏ ra đứng đắn chứ đừng sỗ sàng quá đáng.
“Nhất là chúng ta không ve vãn ai. Ve vãn, tán tỉnh là dấu hiệu của sự non nớt tình cảm, hợm hỉnh và ích kỷ. Điều đó cũng cho thấy sự vô trách nhiệm vì chúng ta chỉ tán tỉnh người khác để họ chú ý đến mình trong khi chúng ta không hề có ý định nghiêm túc”. Và nguyên tắc này áp dụng cho cả nam lẫn nữ.
2. Một thời gian để ý và cầu nguyện.
Không có gì lạ khi bạn thấy trong số những thiếu nữ bạn quen, có một vài cô hay hay và hấp dẫn. Trong khi vẫn giữ quan hệ thân thiện với họ, bạn hãy cầu nguyện. Hãy cầu nguyện như người đầy tớ của Abraham cầu nguyện để tìm một người vợ xứng đáng cho Ysác. “Xin Chúa dẫn con đến người thiếu nữ mà Ngài đã chọn” (Sa 24:14). Và trong bạn cầu nguyện, hãy nhận xét. Mặc dù tất cả phụ nữ đều có những bản năng của một người mẹ, nhưng không phải tất cả đều có những đức tính để trở thành người vợ và người mẹ tốt.
Thay vì bạn chỉ quan tâm đến nhan sắc (có người đàn ông nào chẳng thích có vợ đẹp?) hãy tìm nét đẹp tiềm ẩn bên trong. Một phụ nữ có phẩm hạnh cao quí và những giá trị tinh thần sẽ thích hợp với bạn hơn là một bà hoàng xinh đẹp nhưng lại là gánh nặng cho bạn suốt cả cuộc đời.
Xin bạn cùng xem những nhận xét về phụ nữ của vua Salômôn được ghi lại trong sách Châm Ngôn:
Một người đàn bà đẹp đẽ mà thiếu dè dặt, khác nào một vòng vàng đeo nơi mũi heo (Ch 11:22).
Người đàn bà nhân đức là mão triều thiên cho chồng nàng, còn vợ làm xấu hổ khác nào sự mục trong xương cốt người (Ch 12:4).
Người nữ khôn ngoan xây cất nhà mình, song kẻ ngu dại lấy tay mình mà phá hủy nó đi (Ch 14:1).
Một máng xối giột luôn luôn trong ngày mưa lớn và một người đàn bà hay tranh cạnh cả hai đều y như nhau (Ch 27:15).
Thà ở nơi xó nóc nhà, hơn là ở chung với người đàn bà hay tranh cạnh (Ch 21:9).
Ai tìm được một người vợ, tức tìm được một điều phước và hưởng được ân điển của Đức Giêhôva
(Ch 18:22).
Ch 31:10-31 mô tả hình ảnh đẹp nhất của một người vợ, người mẹ tin kính. Những công việc của phụ nữ thời nay có thể khác, nhưng bản chất của con người phụ nữ vẫn phải y như thế. Mỗi thanh niên có suy nghĩ nghiêm túc cần phải đọc những câu Kinh Thánh trên cách cẩn thận. Nếu có một quyết định nào mà người nam phải dùng đến lý trí chứ không phải tình cảm (dù tình cảm cũng có đóng góp một phần) thì chính là khi chọn một người vợ. Anh ấy phải quyết định bằng sự cầu nguyện, chứ không phải chỉ vì bị cái núm đồng tiền của cô ta chinh phục.
Ngược lại, người thiếu nữ cần tìm kiếm những đức tính nào nơi người chồng tương lai? Đây là một vấn đề quan trọng, cho thấy người thiếu nữ cũng có trách nhiệm trong vấn đề này. Cô không nên chỉ đóng vai người đón nhận sự ngưỡng mộ cách thụ động trong một cuộc theo đuổi, nhưng phải phán đoán cách khôn ngoan và hãy làm cho những ứng viên không xứng đáng bỏ cuộc.
Đức Chúa Trời có một tiêu chuẩn rất cao đối với người chồng vì vai trò của người chồng trong gia đình được ví sánh như mối tương quan giữa Chúa Giêxu Christ với Hội Thánh. Trong Eph 5:21-23, người chồng phải có phẩm chất lãnh đạo vì Chúa đã chỉ định người chồng làm đầu của vợ và chủ gia đình. Sự lãnh đạo này có được không phải do bạo lực hay ép buộc nhưng do phẩm chất đạo đức và thuộc linh. Phụ nữ nên tìm cho mình những người đàn ông trung thực có nguyên tắc đạo đức đáng tin cậy, những người mình có thể tin tưởng vào lòng trung thành của họ. Phụ nữ phải học cách nói “không” với những người yếu kém thuộc linh và đạo đức, những người thiếu nghị lực và vô trách nhiệm, cho dù đó là người duy nhất và cuối cùng theo đuổi mình trên trái đất này! Một thiếu nữ thà chờ đợi hoặc ở vậy còn hơn là gắn chặt cuộc đời mình với một người chồng thô lỗ, nhu nhược, không có bản lãnh, lập trường để rồi phải hối tiếc cả đời. Đã có quá nhiều những cuộc hôn nhân khiến chúng ta phải đổ nước mắt như thế rồi.
Như Chúa Jêsus đã hy sinh chính mình cho Hội Thánh thì người chồng cũng phải có tình yêu tận hiến dành cho vợ. Quanh ta có nhiều người đàn ông quá vị kỷ và tự cao tự đại, họ luôn đòi hỏi người vợ phải chiều theo thói ích kỷ ấy để họ được vui lòng. Những người yêu của họ – sau này là vợ – suốt đời phải làm vừa ý họ, thay vì chia xẻ một cuộc sống đem đến cho nhau sự thỏa lòng. Người yêu của bạn có thuộc loại cho mình là trung tâm của vũ trụ và hư hỏng vì được nuông chiều quá không?
Các bạn gái thân mến, hãy tìm những chàng trai mình có thể nương nhờ được. Có thể anh ta chưng diện bảnh bao, khéo ăn khéo nói, nhưng anh ta có đủ khả năng chu cấp cho gia đình vợ con không? Một phần trách nhiệm của anh ta là nuôi nấng, yêu thương vợ mình như chính mình. Nói một cách đơn giản, một người đàn ông nghiêm túc trong tình yêu và hôn nhân là một người có khả năng nuôi sống gia đình. Điều đáng buồn là có nhiều người muốn lập gia đình, tận hưởng phước hạnh của một người có vợ, có mái ấm gia đình nhưng lại không biết cách làm thế nào để có thể tự lập về kinh tế. Cũng có thể là họ quá lười không muốn làm việc, vì có gì thì chạy về cầu cứu má hay trút hết gánh nặng gia đình cho vợ. Đó rõ ràng là thái độ của một người chồng trẻ con, “Tại sao tôi lại phải làm việc? Tôi muốn làm gì thì làm”. Rồi tiếp tục nhậu nhẹt, cờ bạc, như thể thế giới này mắc nợ phải nuôi sống anh ta vậy.
Cuối cùng, nếu là một người chồng giống như Chúa, người ấy phải có sự sống tâm linh mạnh mẽ để kéo vợ, con và bản thân ngày càng gần hơn với Chúa. Có nhiều cô đi tìm một “Cơ Đốc nhân trưởng thành” hoàn hảo để làm chồng. Điều ấy cũng khó như mò kim đáy bể! Thay vì thế, mỗi cô nên tìm một chàng trai nhạy bén về tâm linh để sẵn sàng học hỏi, tăng trưởng qua những kinh nghiệm trong cuộc sống, một người hết lòng kính sợ, vâng lời Chúa trong mọi việc. Đó là một Cơ Đốc nhân mà có thể đồng hành với mình trên mọi nẻo đường đời, một người có thể cùng mình san sẻ phước hạnh trong sự đầu phục Chúa.
3. Một thời gian tìm hiểu
Đây là thời điểm chàng trai cố gắng chinh phục cô gái chàng để ý. Hãy tỏ cho cô ấy biết rằng bạn rất mến cô và mong cô cùng bạn cầu nguyện cho vấn đề này. Ý chỉ của Chúa phải được cả hai bạn xác quyết cách cá nhân, chứ không phải chỉ có một phía, nhất là của người đang tha thiết với cuộc tình. Đây cũng là lúc các bạn tiếp tục tìm hiểu nhau kỹ càng hơn.
Lúc quyển sách này đang được viết, có một thanh niên Cơ Đốc gương mẫu đang ở giai đoạn này. Anh và cô gái anh đang để ý đã quyết định cầu nguyện xin sự hướng dẫn rõ ràng của Chúa. Cô gái yêu cầu anh không đến gặp mình cho đến cuối năm, lúc đó cô sẽ cho anh biết quyết định của mình. Cô giải thích rằng trong thời gian đó, cô có thể cân nhắc lời đề nghị của anh một cách khách quan hơn.
Điều chắc chắn là dù cô thiếu nữ này quyết định ra sao thì đó cũng là một quyết định tốt đẹp và phải lẽ. Nếu cô ấy đáp “vâng” thì chữ “vâng” của cô sẽ đứng vững suốt đời.
4. Một thời gian đính hôn, và
5. Lễ thành hôn
Những mục này được đề cập đầy đủ hơn trong quyển sách tiếp theo quyển này.
Phong tục tập quán của chúng ta không chủ trương cho các cô gái đóng vai người theo đuổi, thế thì các cô phải làm sao? Nhiều cô quá sợ “nhỡ tàu” nên kết cuộc họ đã làm hỏng đời mình. Họ thấy chàng trai nào họ gặp cũng có “triển vọng” nên họ tìm đủ mọi cách, đôi khi thật lố bịch, để thu hút sự chú ý của các chàng. Chàng ta có thể sẽ cặp với các cô một thời gian, chỉ để lợi dụng các cô tối đa, cũng có thể chàng ta chẳng bao giờ thèm đoái hoài đến các cô.
Nếu bạn là một thiếu nữ Cơ Đốc, phải biết xử sự đúng đắn. Sống không phải chỉ là để lấy chồng. Hãy học tập cầu nguyện và giao phó cuộc đời mình cho Chúa. Vì có nhiều thiếu nữ hơn thanh niên nên biết đâu Chúa lại muốn bạn sống độc thân, hoặc cũng có thể Ngài muốn bạn sẽ lập gia đình. Dù gì đi nữa, hãy cầu nguyện để những cảm xúc không đánh lừa bạn, dẫn bạn đến quyết định sai lầm.
Nếu sống độc thân là đường lối Chúa dành cho bạn, hãy chấp nhận và sẵn sàng. Một gương điển hình về “phước hạnh của đời sống độc thân” là lời khuyên của bạn tác giả với các thiếu nữ: “Nếu một phụ nữ có gia đình sống hạnh phúc thì người phụ nữ độc thân cũng thế. Họ có chung một Chúa và cùng một nguồn năng lực thiên thượng, có phải không?” Như mọi cô gái khác, cô ấy cũng đã từng mơ ước có một mái ấm gia đình (và đã có những ứng viên theo đuổi rất nhiệt tình thời còn son trẻ). Nhưng Chúa đã từng bước cho cô thấy đó không phải là hướng đi Ngài dành cho cô. Và cô đã vui vẻ tuân theo sự chỉ dẫn của Ngài với lòng biết ơn. Thái độ thanh thản, dịu dàng của cô thật trái ngược với thành kiến chung về một “cô gái già khó chịu”.
Hãy phát huy nhân cách bạn, dù sống độc thân hay lập gia đình. Tỏ ra gọn gàng, hấp dẫn cả về thể hình lẫn đạo đức. Trau dồi tài năng sẵn có, học cách hòa đồng với mọi người, và bày tỏ mối quan tâm đến tha nhân. Nhưng trên hết, hãy kính sợ Chúa. Bởi vì “duyên là giả dối, sắc lại hư không, nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giêhôva, sẽ được khen ngợi” (Ch 31:30).
Điều chúng ta tin chắc là thiếu nữ Cơ Đốc nào tỏa ra bản tánh của Chúa qua nhân cách mình thì không khi nào thiếu người ngưỡng mộ. Nếu cô ấy sống độc thân, là do ý nguyện của cô vì một mục tiêu cao cả chứ không phải vì cô bị “lỡ thời” hay thất tình.
Chúng ta hãy lắng nghe nghe lời cầu nguyện của Ruth Bell trước khi Chúa đưa Billy Graham, bây giờ là nhà truyền giáo Mỹ trứ danh, đến cho cô:
“Lạy Chúa”, tôi cầu xin không chút sợ hãi (Cũng như những cô gái khác) “Con không cần một người điển trai –
Chỉ xin cho anh ấy giống như Ngài. “Con không cần người to lớn vạm vỡ Cũng không cần người cao ráo,
Không cần người ấy là thiên tài, Hay giàu có chi cả, Chúa ơi.
“Nhưng Chúa ôi, xin cho đầu anh ấy ngước cao Và mắt anh ngời sáng,
Anh luôn đứng thẳng, dù tình thế ra sao, Dù hoàn cảnh thế nào.
“Xin cho mặt anh tỏ ra cương nghị, Một tâm thần mạnh mẽ,
Và ôi Chúa xin Cho cuộc sống anh bày tỏ, Mục đích duy nhất đời mình.
Và khi anh đến, chắc anh sẽ đến, Với ánh mắt rạng ngời –
Con sẽ hiểu ngay rằng, đấy là anh Người đã từ lâu con cầu xin Chúa. Ruth Bell Graham
Chúa ôi, Bối Rối quá!
Một ngày kia, Pete đến gặp tôi với thái độ nghiêm trọng và căng thẳng. Thưa bà, Dory là người Chúa chọn cho em, em có được phép có giờ tự do với cô ấy không ạ?”
(giờ tự do là thì giờ đặc biệt mà Trường Kinh Thánh chúng tôi dành cho những đôi bạn đang yêu và đang tìm hiểu nhau.)
Tin hay quá! Tôi đáp lời cậu ta. Nhưng em có chắc không?
Dạ chắc ạ, thưa bà, em ra- ắt chắc ạ, tay cậu ta đấm mạnh trong không khí chứng tỏ sự đoan chắc.
Thế em cầu nguyện cho cô ấy bao lâu rồi? tôi hỏi tới. Dạ… một tháng ạ, lần này thì cậu ta có vẻ hơi lúng túng. Thế em đã quen Dory được bao lâu? tôi hỏi rõ hơn.
Từ khi mới nhập học ạ, cậu ta đáp. Tôi nhẩm tính chỉ mới hai tháng. Một khoảnh khắc im lặng.
Pete này, tôi cố gắng nói thật nhẹ nhàng, tôi không phải là người chống lại ý chỉ của Chúa, nhất là trong vấn đề tình cảm rất tế nhị này. Nhưng tôi mong em hãy tỏ ra khách quan với Dory và với chính mình. Mới có hai tháng quen biết và một tháng để cầu nguyện đối với tôi dường như quá ngắn ngủi để có thể xác định cô ấy chính là người Chúa chọn cho em. Sao em không đợi thêm một tháng nữa? Trong lúc ấy, hãy để ý Dory kỹ hơn, khách quan hơn. Có thật cô ấy là người em muốn lấy làm vợ không? Sau một tháng, hãy trở lại và cho tôi biết kết quả nhé.”
Pete cuối xuống nhưng gật đầu đồng ý.
Riêng tôi, tôi rất thích cô ấy với em, tôi động viên cậu ta, nhưng vấn đề quan trọng là tìm biết xem có thật cô ấy đến với em theo ý của…” tôi chỉ lên trời. Có phải không?
Cậu ta lại gật, rồi đi.
Tôi biết đó là một quyết định khó khăn đối với Pete. Tình cảm cậu ấy đang nồng nàn hướng về khuôn mặt dễ thương của cô bạn cùng lớp. Nhưng cậu ta vẫn làm theo lời tôi. Sau đó không lâu, cậu ta quay lại gặp tôi với một nụ cười gượng gạo.
Khoẻ chứ? tôi chào.
Bà đã nói đúng, thưa bà, Cậu ta bắt đầu. Tìm hiểu kỹ hơn, em thấy mình không thích Dory lắm. Xin cám ơn lời khuyên của bà, dù lúc ấy em không thích bà vì đã cho em lời khuyên ấy”.
Thế còn ý Chúa ra sao rồi? tôi nhắc khéo.
Cậu ta chỉ nhe răng cười. Bây giờ thì cậu ta đã hiểu rõ hơn rồi.
Ý Chúa, chúng ta thường lạm dụng những từ nầy và đó chính là sự phạm thượng đối với Chúa. Trong nhiều cuộc tình, người Cơ Đốc hay dùng từ ấy để dán cái nhãn thánh
thiện lên những đam mê luông tuồng, vô lối. Andy và Rita từng yêu nhau theo ý Chúa và cũng bởi ý Chúa họ xa nhau. Bây giờ cũng lại là ý Chúa khi Andy là bạn trai của Cora, còn Rita là người yêu của Rico. Liệu đó có phải là ý Chúa không khi họ đang sắp lập gia đình với hai người ngoại?
Chúa đối với chúng ta bằng sự trân trọng và yêu thương. Ngài không đối xử với chúng ta cách hời hợt. Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi…” (Gia 1:17). Thế mà một thanh niên Cơ Đốc lang thang từ vòng tay người này sang vòng tay người khác mà miệng cứ xưng danh Chúa thì đó là một kẻ phạm thượng, cũng là một kẻ dối trá. Anh ta sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về sự giả dối của mình.
Zac Poonen nói: Một Cơ Đốc nhân không bao giờ nên đùa với tình cảm. Tình yêu phải phát xuất từ tâm trí chứ không phải từ cảm xúc – vì cảm xúc thường lừa dối chúng ta”. Nói thế không có nghĩa trong tình yêu hoàn toàn không có cảm xúc, nhưng đúng hơn là cảm xúc phải tuỳ thuộc vào sự chọn lựa và quyết định tỉnh táo của chúng ta. Ông Poonen nói tiếp là điều ấy chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta để cho Thập Tự Giá hành động liên tục trong đời sống, tiêu huỷ tất cả những dục vọng và chỉ tiếp nhận ý muốn của Chúa.
Mỗi khi bạn gặp một người khác phái mà mình cảm thấy bị thu hút, bạn phải để cho Thập Tự Giá hành động cách cương quyết trên cảm xúc đó để rồi bạn có thể giữ mình tránh bị dây dưa tình cảm (dù kín đáo) với cô ấy hay anh ấy. Chỉ khi đó bạn mới ở trong tình trạng thích hợp để nhận biết rõ ràng ý chỉ của Chúa. Bạn phải kềm chế sự quan hệ tình cảm cho đến khi bạn đã tìm ra ý Chúa. Nếu không, bạn sẽ thấy cảm xúc của bạn làm mờ lý trí và rồi cuối cùng bạn sẽ đi chệch hướng.” (Zac Poonen, tình yêu, tình dục và hôn nhân, Gospel Literature Service: Bombay).
Cầu nguyện là bước đầu tiên để tìm biết ý Chúa trong những vấn đề liên quan đến người bạn đời tương lai của chúng ta. Chúng ta bền lòng cầu nguyện trước khi phán đoán xem người nào đó xứng đáng với tình cảm và sự quan tâm trọn vẹn của mình. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa kiểm soát và hướng dẫn tình cảm mình, để những cảm xúc không dẫn chúng ta đến những quan hệ không cần thiết chỉ đem lại đau lòng và hối tiếc. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa giúp mình đừng yêu quá sớm khi chưa sẵn sàng bước vào hôn nhân. Chúng ta cầu nguyện, để đến đúng thời điểm và theo cách của Chúa, Ngài sẽ bày tỏ rõ ràng người chồng hay người vợ Ngài đã chọn cho chúng ta.
Bà cho rằng Chúa quan tâm đến người chồng tương lai của em à? một nữ sinh viên xinh đẹp hỏi cách ngờ vực.
Ôi, em thấy bối rối lắm khi cầu nguyện về việc ấy! một cô khác vừa cười rút rích, vừa chọc vào hông bạn,
Nếu Chúa đã chuẩn bị sẵn một người vợ cho em, giọng lè nhè của một cậu đeo kính ngồi cuối lớp, thì cô ấy là ai? Cậu ta đứng lên, kéo trễ cặp kính xuống chóp mũi rồi nhìn quanh với vẻ băn khoăn.
Một giọng nữ cất lên: Ở đây nè!
Tất cả phá ra cười.
Việc chúng ta phải cầu nguyện, cầu nguyện chuyên tâm cho vấn đề tìm người bạn đời tương lai, thật sự là một điều quan trọng mà nhiều bạn trẻ Cơ Đốc cần biết. Trong số mười cô gái, chỉ có một hoặc hai người cầu nguyện cách rõ ràng cho người chồng tương lai. Số còn lại chỉ bắt đầu cầu nguyện sau khi đã được nhắc nhở. Còn với các bạn trai thì có lẽ không ngoa khi nói rằng họ còn ít cầu nguyện hơn nữa!
Lấy thí dụ trường hợp cô Trân Châu, một nữ tín hữu Trung Quốc. Cô ấy không đẹp nhưng thông minh và duyên dáng. Ở tuổi 25, là một nhà truyền giáo qua tài liệu, sách báo có nhiều kinh nghiệm, cô đã đi rất nhiều nơi.
Vốn quen biết cô khá lâu, tôi thân mật hỏi cô:
Em có bạn trai không?
Dạ không, cô đáp, nhưng ở nhà có một anh để ý em.
Thế em có cầu nguyện cho việc lập gia đình hay cầu nguyện cho anh ấy không?” Tôi hỏi tiếp.
Dạ, chắc là không, cô trả lời tôi với ánh mắt láu lỉnh. Có quan trọng lắm không? Đợi từ từ cũng được, phải không ạ?” Cô cười cười nói như vậy.
Người đàn ông bạn sẽ gọi là chồng suốt cuộc đời có là vấn đề quan trọng đối với Chúa không ư? Anh ta sẽ là cha của con bạn. Anh ta sẽ là chủ của gia đình và bạn sẽ phải thuận phục anh ấy như lời Chúa dạy. Anh ta sẽ là người mà bạn sẽ gắn bó cả cuộc đời trong mối quan hệ thân thiết nhất, gần gũi nhất. Thế thì anh ta có quan trọng không?
Còn nếu bạn là một thanh niên, bạn cho rằng Đức Chúa Trời không màng đến người sẽ là vợ bạn, sẽ là mẹ của con cái bạn sao? Người phụ nữ này, bất cứ cô ta là ai, hoặc sẽ gây dựng hoặc sẽ làm tan nát đời bạn. Cô ta có ảnh hưởng lớn lao nhất và sâu đậm nhất đối với bạn. Và bất kể tốt hay xấu, bạn cũng phải giữ lời hứa sẽ mãi yêu thương cô ta. Vì vấn đề quan trọng đến thế nên bạn cần dành thì giờ cầu nguyện trình dâng cô ta cho Chúa, tìm kiếm ý chỉ và sự xác quyết của Ngài.
Hôn nhân phải đợi là đúng thôi. Nhưng không có lúc nào là quá sớm để cầu nguyện trong khi chúng ta chờ đợi ngày trọng đại ấy. Cơ Đốc nhân cầu nguyện cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống – học hành, tài chánh, nghề nghiệp. Nhưng vì sao có nhiều người lại lặng thinh về cuộc sống tình cảm của mình? Nếu chúng ta thật sự nhận Chúa Jesus Christ làm chủ đời mình, chúng ta sẽ tâm sự với Chúa nỗi buồn khổ và cô đơn của chúng ta trong nếp sống độc thân, và khao khát có được một vòng tay yêu thương che chở. Chúng ta cũng sẽ tâm sự với Ngài về người yêu của mình (nếu chúng ta cảm nhận rõ ràng sự hướng dẫn của Ngài trong mối quan hệ này), về những kế hoạch chúng ta toan tính với nhau, cũng như những hy vọng trong tương lai. Có điều gì quá riêng tư hay quá ngăn trở khiến chúng ta không thể nói cho Cha mình nghe chăng? Vậy vì sao chúng ta lại bối rối vì những vấn đề của con tim?
Điểm chính yếu là có những Cơ Đốc nhân cũng cầu nguyện – nhưng cầu nguyện quá trễ. Trước khi xin Chúa chọn cho mình, họ đã tự chọn rồi. Làm sao Chúa có thể cho biết ý muốn của Ngài trong hoàn cảnh ấy? Sự cầu nguyện của chúng ta là một việc làm vô ích trừ phi chúng ta có thể sẵn sàng từ bỏ người mình đang đặt vấn đề cầu nguyện, nếu chúng ta nhận biết đó là ý Chúa bày tỏ cho chúng ta. Nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta lại không sẵn lòng vâng theo ý Chúa. Và thế là chúng ta cứ cầu nguyện – nhưng không phải để tìm biết ý Chúa, mà để ép Chúa chấp nhận sự chọn lựa của mình.
Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp những bạn trẻ rất nghiêm túc nhưng lại rơi vào tình trạng đang có quan hệ với những người không xứng hiệp do không biết, không hiểu hay không xử sự dựa trên sự hiểu biết chương trình của Chúa. Có thể trước khi họ tin Chúa, họ đã đính ước với người nào rồi. Cũng có thể trước khi họ ý thức được tầm quan trọng của việc tìm kiếm ý Chúa, họ đã có quan hệ tình cảm sâu đậm. Vì đây thực sự là một vấn đề xảy ra cho một số bạn, chúng ta sẽ bàn sau.
Điều chúng ta cần nhớ là: hôn nhân, cũng giống như tin nhận Chúa, là việc hệ trọng suốt đời. Chúng ta không nên hối thúc Chúa trả lời trong khi bản thân chúng ta chưa thích ứng với đời sống gia đình. Thay vì để mình bị ám ảnh bởi vấn đề nầy, chúng ta nên tập trung vào những mục tiêu hữu ích quanh mình như việc học, việc làm và vô số công tác trong sự phục vụ Chúa, những điều đó sẽ mang lại niềm vui trọn vẹn cho chúng ta trong những năm tháng còn độc thân.
Có Phải Chúng Mình là Của Nhau không?
Câu hỏi chúng ta phải tự hỏi trước khi cặp bồ không phải chỉ là Có phải cô ấy là người thích hợp với tôi không? hoặc Tôi có phải là chàng trai dành cho cô ấy không?” mà là Chúng tôi có phải là của nhau không?” Câu hỏi nhấn mạnh đến sự tìm hiểu ý Chúa từ cả hai phía. Vì có thể một bên thấy được ý Chúa là như vầy nhưng bên kia lại thấy ngược lại. Dĩ nhiên, hai người bất đồng ý kiến không thể nào đi chung với nhau được.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Poonen khi ông nói: Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể dẫn bạn đến với người bạn đời thích hợp nhất. Thật sự, Chúa rất muốn làm điều ấy nếu bạn sẵn sàng lắng nghe Ngài”. Vì vậy, vấn đề quan trọng là bạn sống gần với Chúa, cầu nguyện, chờ đợi và học hỏi lời Ngài. Sau đây là vài câu hỏi chúng ta cần xem xét trước khi đi đến quyết định. Những bảng chỉ đường này được rút ra từ Kinh Thánh và từ kinh nghiệm cá nhân của những người đã từng đương đầu với những tình huống khó xử tương tự.
Bảng chỉ đường 1
Cả hai bạn đều có mối tương giao riêng tư sống động và thiết yếu với Chúa Jesus Christ chứ? Câu Kinh Thánh Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin” rất là rõ ràng, không có cách nào để quanh co cả. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Đấng Christ và Bêlian nào có hoà hiệp chi, hay là kẻ tin có phần với kẻ chẳng tin?” (IICo 6:14,15). Sự tương phản Phaolô đưa ra càng làm nổi bật sự không hợp lẽ của việc kết hôn giữa tín hữu và người không tin Chúa. Căn bản là giữa họ không có một điểm chung nào cả. Algernon Black đã nói rằng khi một người nam và người nữ khác nhau trong niềm tin cùng những tiêu chuẩn tôn giáo tức là họ đã thực sự khác nhau trong lối sống.
Một phụ nữ có gia đình đã khuyên người bạn trong vấn đề hóc búa lập-gia-đình-với- người-khác-tín-ngưỡng như sau:
Tôi không thể đòi hỏi gì hơn nơi chồng tôi, ngoại trừ sự khác biệt về tôn giáo, mà đó lại là vấn đề ảnh hưởng trên mọi chuyện (ngay cả trong việc nấu ăn). Anh ấy tử tế, chu đáo, biết phụ tôi lo cho các cháu, chỉ thích vui vẻ với mẹ con tôi. Chúng tôi đã có những giờ phút tốt đẹp bên nhau. Nhưng đến Chúa nhật, tôi lại ngồi lẻ loi trong nhà thờ… Vâng, chúng tôi có nhau, nhưng tôi không bao giờ có thể hoà hợp trọn vẹn với chồng như tôi muốn…
Có nhiều va chạm xảy ra giữa tôi và anh ấy đến độ chúng tôi hầu như không dám nghĩ đến bạn bè nữa. Tôi trở nên dễ bị tổn thương khi biết những gì người ta bàn tán về anh ấy và tôi. Chồng tôi không có chung sở thích với những người bạn Cơ Đốc của tôi, còn bạn tôi lại ngại mình không được hoan nghênh lắm tại nhà tôi. Không, chúng tôi không hề muốn vậy, tự nó xảy ra thế thôi, nhưng đó lại là cơn ác mộng mà tôi không thoát ra được.
Quyết định của bạn là quyết định gay go nhất, tôi biết thế. Xin Chúa cho bạn có sự khôn ngoan để quyết định đúng đắn. Người ta có thể lập gia đình vì yêu, nhưng hôn nhân
là một chuỗi ngày sống chung. Tình yêu có thể làm phong phú mối quan hệ vợ chồng, nhưng không thể khắc phục những trở ngại không thể vượt qua được.
Cách đây không lâu tôi suýt mất cháu trai nhỏ của chúng tôi. Cháu phải nằm trong lồng kính cầm cự với sự chết. Bây giờ cháu đã khoẻ, nhưng trong lúc cháu đau, tôi phải qua lại phòng cháu nhiều lần trong đêm, để xem thử cháu có khá hơn không. Chắc bạn cũng thấy nếu sức khoẻ của cháu đối với tôi còn quan trọng như vậy, thì phần tâm linh của cháu còn hệ trọng tới đâu. Tôi thật xót xa khi nhìn thấy những gì đang xảy ra đối với con cái.
Bạn ơi, tình yêu đòi một cái giá khá đắt đấy. Tôi xin bạn hãy dừng lại và suy tính thiệt hơn. Đừng bán rẻ quyền lợi của các con như tôi đã làm.
Tôi không định bảo bạn phải làm gì, chỉ muốn bạn biết những gì sẽ xảy ra thôi. Đó không phải chỉ là những gì bạn gây ra cho chính mình, nhưng còn là những điều bạn sẽ đem đến những người bạn thương yêu, và điều đó càng làm cho tình thế bi đát hơn.
Bi kịch đang là một mối đe doạ ngấm ngầm nhưng chắc chắn đối với những tín hữu nào dự tính kết hôn với người khác niềm tin. Tình yêu lãng mạn hiện tại có thể khiến bạn thấy vấn đề dường như xa vời hoặc không quan trọng, dầu vậy nó vẫn hiện diện. Khi đã quá muộn để quay lại thì những nguy cơ sẽ trở nên lớn hơn điều chúng ta tưởng nhiều. Câu Kinh Thánh Nếu một nhà tự chia nhau thì nhà ấy không thể còn được. (Mac 3:25) vẫn còn là một nhận xét có giá trị. Và câu cách ngôn sau đây cũng vậy, Gia đình nào cùng nhau cầu nguyện sẽ khắng khít với nhau.
Chấp nhận lời tỏ tình của một thanh niên người ngoại hay theo đuổi một thiếu nữ không tin Chúa nhằm mục đích đem họ về với Chúa sau này là phương cách truyền giảng đáng nghi ngại. Động cơ thực hiện điều đó là vị kỷ và vì thế sai lầm. Để rồi hầu như chúng ta chỉ nhận được một sự tin Chúa giả tạo. Thử hỏi có chàng trai đang yêu nào lại không cố gắng tham dự những sinh hoạt tôn giáo của bạn? Có cô gái nào đang mê mẩn vì bạn mà lại không sẵn sàng nhất trí về tất cả những gì bạn nói?
Có người chỉ ra cặp này cặp kia đang hạnh phúc vì chính người tín hữu đã có thể dắt đưa người kia về với Chúa. Những trường hợp như vậy rất hiếm hoi và lại càng không phải là điển hình để noi theo. Nhiều người rơi vào trường hợp tương tự sẽ kể cho bạn nghe những tháng năm đầy nước mắt, đau lòng, cô đơn, mâu thuẫn trước khi nhờ ơn thương xót của Chúa họ được hoà hợp làm một. Chúng ta cũng phải nhớ rằng, tôn giáo cũng như nhiều lãnh vực khác trong cuộc sống là một vấn đề của họ tộc. Ngay cả khi người chồng hay người vợ không tin Chúa của bạn không gây áp lực với bạn thì gia đình của họ sẽ làm. Nhiều tín hữu đã phải chịu khuất phục hay thoả hiệp để được yên thân.
Bảng chỉ đường 2
Cả hai bạn có mong muốn đặt Chúa trên hết trong cuộc sống cá nhân và trong quan hệ với nhau không? Việc cả hai bạn đều là con cái Chúa không có nghĩa là các bạn đương nhiên được dành cho nhau. Các bạn còn phải có cùng một trình độ thuộc linh nữa. Điều ấy không có nghĩa là tỏ ra ngoan đạo, hay nhiệt tình tham gia mọi sinh hoạt ở nhà thờ.
Cũng không có nghĩa là coi những tối nhóm cầu nguyện như cái cớ để hẹn hò nhau. Điều đáng buồn nhưng có thật là có nhiều cặp đã biến nhà thờ thành một nơi dành cho những cuộc hẹn hò bất chính dưới danh nghĩa những buổi nhóm thanh niên, những buổi tập hát hay những sinh hoạt khác.
Một bạn trai nhạy cảm đã thú nhận: Mỗi lần em muốn gặp cô gái em để ý, em phải suy đi tính lại. Có những lần em viện cớ đến gặp cô ấy để bàn luận trước những kế hoạch cho nhóm sinh viên mà cả hai cùng phụ trách, thật ra chỉ vì em muốn gặp cô ấy thôi. Con tim đã dễ dàng lừa dối em khiến em mang nặng mặc cảm có lỗi”. Vấn đề ở đây là bạn phải thành thật cố gắng suy nghĩ, nói năng và hành động giống như Chúa, trong khi chỉ có một mình hay có mặt người khác.
Bảng chỉ đường 3
Bạn có thật sự chấp nhận con người của nhau không? Câu hỏi này nhằm giả định rằng các bạn đã biết nhau khá lâu. Dành thời gian hai hay ba năm kết thân nhau trong tình bạn, đồng thời suy xét trong sự cầu nguyện giúp chúng ta có lợi thế hơn khi đánh giá lẫn nhau. Chấp nhận con người của nhau nghĩa là yêu nhau vì chính con người thật của nhau – với những mụt mụn trên mặt và tất cả những điều khác nữa! Và chúng tôi không chỉ nói về khía cạnh diện mạo. Nếu bạn có thể thấy và nhận ra những phẩm chất tốt đẹp của nhau, cũng như khám phá và sửa đổi những điều chưa tốt cho nhau, thì có thể các bạn đúng là được dành cho nhau.
Một tình yêu trưởng thành sẽ sáng suốt hơn là mù quáng. Bạn phải chấp nhận một thực tế là với hai con người khác biệt, các bạn có hai cá tính khác biệt. Có nghĩa là tính khí, thái độ, cung cách và quan điểm của các bạn sẽ khác nhau. Vì vậy bạn không nên uốn nắn người yêu thành bản sao của mình, của mẹ mình hoặc của người bạn yêu thích nhất. Ngược lại, hãy để người kia hoàn toàn tự do được sống thật với con người mình. Và hơn thế, các bạn hãy tập thích nghi với những sự khác biệt của nhau. Chấp nhận ưu và khuyết điểm của nhau là bằng chứng của một mối tương giao chín chắn.
Đó là mối tương giao không có sự giả tạo và lừa dối. Đúng là trong những cuộc tình, bao giờ cũng có sự cố gắng làm vừa lòng và gây ấn tượng. Điều ấy cũng tự nhiên thôi. Nhưng đừng bao giờ cố tình lừa phỉnh nhau. Một ông có gia đình đã kể trong một buổi nhóm của các cô như sau: Khi tôi còn độc thân, tôi ghét nhất những cô gái lẳng lơ và tự phụ, kiêu kì. Thật không ưa nổi mấy người đó!” Những cô gái mà ng ấy đề cập đến lại là các cô học ở một trường Kinh Thánh đấy.
Bảng chỉ đường 4
Các bạn thích có một mối tương giao thoải mái và cởi mở không? Các bạn có thể trò chuyện thoải mái với nhau không? Không phải chỉ là những vấn đề mưa hay nắng hoặc những chuyện vớ vẩn chẳng đâu ra đâu, nhưng là những đề tài quan trọng liên quan đến chính mình cùng những khía cạnh của cuộc sống? Sự chia xẻ cởi mở về con người mình trước đây và hiện nay, về những hy vọng cùng ước muốn, về những nỗi thất vọng, và về gia đình sẽ giúp các bạn dần dần hiểu nhau cách sâu sắc hơn.
Các bạn có thể phê bình thẳng thắn để giúp nhau ngày càng trở nên tốt hơn không? Các bạn có sẵn sàng vui vẻ chấp nhận những sự phê phán không? Các bạn có phê bình trong tình yêu thương không? Những lúc mệt mỏi yếu đuối, cảm thấy cay đắng và thất bại, bạn có thể chia xẻ với người yêu và có tin chắc rằng sẽ luôn nhận được sự yêu thương và cảm thông từ người ấy không? Cần phải có sự bày tỏ, chia xẻ để có thể cảm thông nhau. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp và hạnh phúc không thể tiến triển dựa trên sự im lặng, hay những tiếng thở dài và lằm bằm.
Trong suốt năm, sáu mươi năm sống với nhau các bạn cần phải đối thoại và lắng nghe. Những khác biệt và mâu thuẫn trong đời sống gia đình có thể được giải toả nếu cả hai bạn cùng biết đối thoại và lắng nghe lẫn nhau.
Bảng chỉ đường 5
Bạn có hiểu rõ vai trò trách nhiệm của bạn trong hôn nhân không? Nhiều bạn trẻ đâm đầu vào hôn nhân mà không hề có một chút khái niệm nào về gia đình và những gì hôn nhân đòi hỏi nơi chính mình. Mặc dù câu nói Tình yêu chiến thắng tất cả thường được trích dẫn, chúng ta cần phải biết đó là dạng tình yêu nào. Nếu cho rằng đó chỉ là sự gắn bó tình cảm qua lại, chắc chắn tình yêu ấy không thể vượt qua được những tiếng la hét của con nít, những đống tã lót hoặc khoản tiền thuê nhà. Những hấp dẫn ngoại hình, và rung động tình cảm dù đóng vai trò căn bản, chỉ là những chi tiết hỗ trợ cho hôn nhân mà thôi. Điều thiết yếu là phải hiểu rõ đặc quyền và trách nhiệm của người chồng và vợ tương lai.
Bảng chỉ đường 6
Các bạn có sự an tâm vững vàng rằng cả hai bạn được dành sẵn cho nhau không? An tâm không chỉ là không có điều gì bất ổn nhưng là thanh thản trong tâm linh khi chúng ta làm những điều đúng đắn và chân thật. Giống như một trọng tài bên trong chúng ta báo cho chúng ta biết khi nào đang đi đúng hướng. Nếu quan hệ của bạn dựa trên tình yêu, sự chân thành và thiện ý, thì không có lý do gì khiến bạn không thể an tâm.
Sự tin quyết sâu sắc và vững vàng đặt nền tảng trên những lời hứa của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh sẽ làm cho hôn nhân của bạn được bền chắc khi có mâu thuẫn xảy ra. Cầu xin sự bình an của Chúa Cứu Thế ngự trị trong lòng anh em, phải sống hoà thuận với nhau vì anh em đều thuộc về thân thể duy nhất của Chúa, hãy tạ ơn Ngài” (Co 3:15 – BDY).
Điều gì sẽ xảy ra nếu …?
Một người hết lòng tìm kiếm có thể nhận biết ý Chúa không, ngay cả khi người đó đã lỡ có quan hệ tình cảm hay đính ước với người khác rồi?
Rudy ở trong trường hợp khó xử này. Trước khi đi dự một kỳ trại dành cho những người hướng dẫn, anh không hề biết rằng không những Chúa quan tâm đến anh mà Ngài cũng quan tâm đến cả bạn gái của anh, là Nena nữa. Nhưng trong một buổi thảo luận, điều ấy được đề cập đến.
Nếu hai người đã quan hệ với nhau một thời gian khá lâu, Rudy đánh bạo hỏi, chúng ta có thể cho rằng Chúa đã sắp đặt cho họ đến với nhau không?”
Thế cả hai có nhất quyết tìm kiếm ý chỉ của Chúa trước khi quan hệ với nhau không?” hướng dẫn viên vặn lại. Hay cả hai chỉ đến với nhau theo luật hấp dẫn tự nhiên?”
Những người khác cũng bắt đầu bàn thảo từ khởi điểm ấy, còn Rudy ngồi đăm chiêu suy nghĩ vì anh đang nhớ đến Nena. Nếu Chúa không có ý kết hợp hai người với nhau thì Ngài nhẫn tâm quá. họ đã kết thân với nhau từ năm lớp 12. Thật ra Nena là một tín hữu yếu đuối nhưng anh cũng đã định giúp đỡ cô về vấn đề đó. họ phải là của nhau thôi – chắc chắn là như vậy, anh tự xác định với mình. Nhưng kể từ đó, mối nghi ngờ luôn luôn dằn vặt anh.
Thật khó xử khi chúng ta khám phá cách muộn màng một điều như vậy là ý Chúa. Hoặc chúng ta sẽ biện hộ cho những hành động đã qua và hy vọng có một kết cục như ý, hoặc chúng ta dám chấp nhận một bước khó khăn hơn – tìm cầu ý Chúa, dứt bỏ ý riêng của mình và vâng theo bất cứ điều gì Chúa muốn. Cho dù điều đó sẽ khiến chúng ta thật đau lòng. Chỉ có những người can đảm và thuận phục mới có thể làm như vậy. ô… Hãy để Chúa đổi mới tâm trí mình; nhờ đó anh em có thể tìm biết ý muốn của Thượng Đế và hiểu rõ điều gì tốt đẹp, trọn vẹn, hài lòng Ngài.” (Ro 12:2 – BDY).
Nếu người yêu của bạn là một Cơ Đốc nhân, Chúa vẫn có thể kết hợp hai bạn với nhau – ai biết được? Sự đảm bảo cần có tiếp theo là không những các bạn đã chọn nhau mà chính Đức Chúa Trời đã chọn hai bạn làm bạn đời của nhau, điều đó sẽ đem lại sự gắn bó sâu đậm hơn trong mối quan hệ của các bạn hiện nay và sau này.
Có phải hẹn hò là âu yếm không?
Sự ảnh hưởng lối sống Tây phương của người Philippine đã dẫn đến một xu hướng mới trong sinh hoạt xã hội của giới trẻ. Đó là sự hẹn hò. Có nghĩa là một đôi thanh niên nam nữ gặp gỡ nhau cách riêng tư và đưa nhau đi chơi ở một nơi nào đó. Lối sống như vậy không hề có đối với những thế hệ trước đây. Ngày nay thì khác. Các bạn thanh niên, nhất là những bạn ở đô thị và những thành phố lớn, xem đó là việc bình thường trong cuộc sống, cũng giống như các bạn đồng trang lứa ở phương Tây vậy.
Tuy nhiên, đại bộ phận dân chúng vẫn nhìn những cuộc hò hẹn với sự e dè theo quan điểm bảo thủ vốn có của người Philippine. Các bậc phụ huynh vẫn thích con gái họ được tìm hiểu và gặp gỡ bạn bè tại nhà hơn. Đây cũng là điều hợp lý thôi. Nói chung, viễn cảnh phải đối mặt với bố mẹ cô gái đã làm chùn bước những anh chàng có ý định không tốt. Ngoài ra, quan hệ công khai mà cô gái duy trì trong tầm kiểm soát của gia đình sẽ đem lại sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Cha mẹ cô gái có dịp tìm hiểu chàng trai, còn chàng ta ngược lại cũng có cơ hội nhận xét gia đình mà chàng sẽ gia nhập một ngày nào đó.
Có thể điều này dường như qua lỗi thời đối với một số bạn trẻ ngày nay. Có thể là như vậy, Nhưng chúng ta phải đối diện với sự thật là xã hội chúng ta không giống xã hội bên Mỹ hay bất cứ quốc gia Phương Tây nào. Hôn nhân ở Philippine không chỉ là sự liên kết giữa hai người yêu nhau. Nó còn phải là sự hợp tác của gia đình hai bên nữa. Dĩ nhiên ngày nay các bạn trẻ được tự do hơn trong sự lựa chọn người bạn đời, nhưng những bậc lão thành cũng có nhiều điều cần góp ý.
Vì thế, gia đình không phải là chỗ chúng ta chạy trốn khỏi đó để đến nơi khác hẹn hò. Đó là nơi tốt nhất và an toàn nhất để tình yêu chân chính phát triển giữa vòng đôi lứa. Một thanh niên Cơ Đốc khôn ngoan sẽ mong muốn gặp người yêu tại nhà – nếu không luôn luôn thì cũng phần lớn thì giờ. Để có thể biết được người yêu của mình sau này sẽ trở thành người vợ, người mẹ như thế nào, cậu ta cần biết được hiện giờ cô ấy là người con, người chị như thế nào trong gia đình.
Nhưng mặt khác, không phải lúc nào cũng có thể gặp nhau tại nhà. Các bạn trẻ đổ về thành phố để học hành hay làm việc. Tại đó họ được tự do hơn. Những người bảo hộ hay những bà giám thị phụ trách thường tỏ ra hiểu biết” hơn và cho phép họ hẹn hò. Cơ Đốc nhân có cho phép mình lợi dụng những cơ hội như thế để dẫn đến những cuộc tình vụng trộm không?
Không cần thiết phải như vậy. Một người thật sự đầu phục Chúa, dù ở đâu, luôn xử sự đứng đắn và chân thật. Anh ta không cần phải cư xử giả tạo để tô điểm cho con người mình. Không cần phải thế. Trong mối quan hệ với người thiếu nữ mình yêu cũng như vậy. Anh ta gặp gỡ người yêu ở những nơi đàng hoàng, trong sáng. Cha mẹ cô gái hay người bảo hộ biết họ đi đâu, khi nào trở về. Mọi người có thể tin cậy họ hoàn toàn.
Khi một chàng trai thích gặp người yêu ở một góc vắng vẻ, rồi dắt cô ta đến một nơi nào đó không ai biết, anh ta đang có những hành động không xứng đáng với cương vị
một thanh niên Cơ Đốc. Và chắc chắn có điều gì đó sai trật khi một thiếu nữ Cơ Đốc đồng ý một cuộc gặp gỡ mờ ám như vậy. Thái độ tại -sao-tôi-phải-cho-mọi-người-biết- chuyện-riêng-tư-của- tôi phản ánh một tình yêu giả dối và thiếu tự trọng. Một mối quan hệ chân chính không có gì cần phải giấu giếm. Cũng giống như bất cứ lãnh vực nào khác của cuộc sống Cơ Đốc, chúng ta hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày” (Ro 13:13), và phải bước đi trong sự sáng – như chính ngài ở trong sự sáng” (IGi 1:7).
Thật ra, hẹn hò ở bên ngoài gia đình cũng giúp hoàn thiện một số chức năng quan yếu trong cuộc sống một bạn trẻ. Theo ý kiến của ông Dwight Harvey Small trong quyển Khuôn mẫu cho Hôn Nhân Cơ Đốc”, hẹn hò góp phần trong sự trưởng thành về mặt xã hội của một con người.
Hẹn hò có thể tạo cơ hội phát huy khả năng giao tiếp của một người, phát triển những mối quan tâm mới về xã hội, văn hoá và tăng thêm sự hấp dẫn của người ấy. Tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận rằng, cách thức hẹn hò chúng ta nghe được rất nhiều từ phương Tây ấy mang một ý nghĩa hạn chế hơn trong xã hội chúng ta. Đối với nhiều gia đình người ngoại và gia đình Cơ Đốc, sự hẹn hò chỉ được dành cho những cặp đã thật sự yêu nhau hay đã hứa hôn mà thôi. Nói cách khác, thông thường không có hẹn hò trong giai đoạn đang tìm hiểu. Một thiếu nữ chỉ đồng ý đi chơi với bạn trai sau khi họ đã đạt đến một mức độ nào đó trong sự hiểu biết lẫn nhau.
Thế nên, khi một thanh niên Cơ Đốc Philippine hẹn hò với người yêu ở ngoài gia đình, tốt nhất cả hai phải nhớ hai điều: Thứ nhất, họ là người Cơ Đốc, và thứ hai, họ còn trẻ và đang yêu nhau. Là người Cơ Đốc, Chúa Jesus Christ là tiêu chuẩn của hành vi và đạo đức của họ. Còn trẻ, họ dễ bị cuốn hút theo cảm xúc bồng bột. Bạn trai có ham muốn và nhu cầu tình dục mạnh hơn, chủ động hơn trước sự hiện diện của cô gái anh ta yêu. Ước muốn bẩm sinh của phái nữ là được ôm ấp, được hôn và được thuộc về một người nào đó. Những cảm xúc này chắc chắn sẽ đặt lập trường Cơ Đốc của họ vào sự thử nghiệm. Như vậy, khi hẹn hò cả hai nên khôn ngoan lưu ý đến những điều sau:
- Động cơ.
Anh bạn trẻ, điều gì thôi thúc anh muốn được ở riêng với người con gái anh yêu? Có phải anh muốn đạt được sự hoà hợp giữa hai người qua sự hiểu biết quan điểm, tính khí và cung cách của cô ấy ? Để tìm hiểu xem cô ấy có những phẩm chất bạn yêu cầu nơi người vợ không? Có thật bạn muốn cô ấy trở thành mẹ của con cái bạn chăng? Hay chính sự gần gũi cô ấy là cái cớ để bạn thoả mãn những đòi hỏi của bản năng tình dục, sự rung động và thích thú qua cử chỉ âu yếm?
Và cô bạn trẻ ơi, điều gì khiến cô muốn đi chơi riêng với anh bạn cô thích? Có phải để hiểu rõ anh ta hơn không? Anh ta có phải là người cô có thể sống chung từ năm này qua năm khác không? Hay cô chỉ muốn tìm cảm giác thoả mãn tạm thời trong vòng tay anh ấy?
Sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau của các bạn có sâu sắc hơn sau mỗi lần hẹn hò không? Hay các bạn trở về với mặc cảm tội lỗi, cảm giác bị lừa dối và tự ghét chính mình?
Đúng là cái ước muốn được yêu và ôm ấp luôn luôn thôi thúc khi các bạn ở gần nhau. Nhưng nếu điều đó trở thành mục đích chính yếu mỗi khi hẹn hò, nó không còn là tình yêu nữa mà chỉ là nhục dục.
Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống hay là làm sự chi khác (hẹn hò) hãy vì sự vinh hiển Chúa mà làm” (ICo 13:31). Nhưng ngay cả khi đã vì sự vinh hiển Chúa mà làm rồi, cũng cần phải cảnh giác. Những ý định tốt nhất cũng có thể kết thúc thảm hại vì sự khống chế của tình dục. Điều quan trọng hơn hết là động cơ của chúng ta phải trong sáng, nhưng chưa đủ. Chúng ta cũng cần nhìn lại con người mình một cách thực tế khách quan. Và điều này sẽ dẫn chúng ta đến điều lưu ý thứ nhì.
2. Chín chắn trong cảm xúc.
Những ý định tốt phải đi đôi với sự đánh giá chính xác tính chất của cảm xúc mỗi người. Đúng là nói về mặt tính dục, có những người có khả năng tự chế rất cao. Hoặc là tự nhiên hoặc do tự kỷ luật, họ tỏ ra điềm tĩnh và kiềm chế. Nhưng đại đa số đàn ông như sự mô tả của ông D.H. Small trong quyển sách đề cập trước đây rất nhạy lảy cò. Họ rất hăng. Thôi thúc tình dục của họ rất mạnh -và càng mạnh hơn khi chỉ có một mình với cô gái mà họ đang thèm muốn.
Một thanh niên Cơ Đốc phải chân thực đủ để chấp nhận nam tính của mình. Hẹn hò có thể dẫn tới đam mê quá mạnh khiến cả hai bạn bị hại. một phút mất tự chủ có nghĩa là ân hận và nuối tiếc cả đời. Dù mạnh hay yếu về tình dục, điếu tốt nhất cần nhận thức là tình dục có thể đáng ngã một người. Cần phải ý thức sự hiện diện của Chúa liên tục để thoát ra khỏi một tình huống cám dỗ như thế.
Điều này tuỳ thuộc vào chính người phụ nữ. Cô ấy thường xuyên ấn định tiêu chuẩn hành vi của bạn trai mình tiến đến chỗ kích dục hay một tiếng không khẳng định được bày tỏ qua thái độ của cô. Cô phải từ chối không đến những chỗ hẹn hò đáng ngờ nơi sự cám dỗ chìu theo những trò mơn trớn quá lớn.
Một cuộc hẹn trọn vẹn và thoả lòng phải luôn luôn có mục đích. Vì vậy hẹn hò cũng phải được bàn thảo. Cám dỗ âu yếm chỉ xảy ra khi ta có quá nhiều thì giờ mà lại chẳng có việc gì phải làm. Những cuộc hẹn bộc lộ con người thật của mình khi đem chúng ta ra khỏi chính mình. Hãy biến những lần hẹn hò của các bạn đầy ý nghĩa khi những lần hẹn ấy chú mục vào một sinh hoạt đã trù tính trước mà cả bạn lẫn người yêu đều tham dự chứ không phải chỉ là quan sát viên. Những sinh hoạt như chơi ném bóng, bơi lội, đi nghe hoà nhạc, thăm viện bảo tàng, nhà triển lãm hoặc chỉ đơn giản là cùng nhau góp phần vào một chương trình nào đó của hội thánh cũng đủ hài lòng rồi.
Hãy đặt ra giới hạn thì giờ mỗi lần hẹn nhau. Để tình yêu lớn lên cần có kỷ luật- cả phương diện cảm xúc, thời gian và cả những lãnh vực khác nữa. Khi bạn hứa có mặt ở nhà vào giờ nào đó- hãy đúng hẹn. Hãy nhắc nhở nhau nếu cần. Như vậy bạn sẽ tạo được niềm tin cho mọi người.
Và điều nhắc nhở rất quan trọng này: Khi bạn đến cuộc hẹn hò hãy đem Chúa theo với. Xin Chúa Thánh hoá ngay cả những giây phút lãng mạn nhất của các bạn. Đây là
phút giây mà con số ba không phải là đám đông. Một cuộc tình có sự chứng kiến của Chúa sẽ nhận được phước hạnh từ Ngài.
3. Văn hoá địa phương.
Đừng bất chấp phong tục địa phương hoặc thái độ của mọi người đối với cuộc hẹn hò. Ở những vùng ngoại nơi mọi liên hệ không liên quan đến cá nhân nào, những đôi hẹn hò có thể là hình ảnh bình thường. Nhưng ở thị trấn hay vùng bạn ở, lại không phải là điếu bình thường. Ở đó cuộc sống của bạn lại là việc chung của mọi người theo một liên hệ láng giềng. Tân tiến có học thức, hoặc từ thành phố về không phải là lý do chính đáng để bất chấp lệ làng. Nếu ở đó hẹn hò bên ngoài gia đình không được chấp nhận, thì đừng có sánh đôi với cô bạn ở ngoài đường hay đi dạo với cô ấy ở những nơi vắng vẻ. Cô ấy và gia đình sẽ hứng chịu những lời không hay ho. Sự phớt lờ những hạn chế đạo đức đặc biệt này sẽ ngăn trở lời làm chứng về Chúa của chúng ta. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng: vậy đừng để sự lành mình trở nên cớ gièm chê (Ro 14:16).
Niềm Tin và Mốt
Trong trường học, thường thì các nam sinh thường than phiền về những chiếc váy đầm ngắn củn hở hang của các cô, còn phía nữ sinh thì lại phản đối mái tóc dài phủ vai của cánh đàn ông. Các cô giận dữ phản bác: Họ muốn chúng tôi giống ai chứ?… Mấy chàng ngốc! Bộ họ yếu đến mức thấy cái mini-jupe là té lăn kềnh ra sao? Quái thật!”
Trong trại bên nam, sự phẫn uất cũng không kém. Mấy cô ả lắm mồm!ọ Sao họ không lo để ý đến chuyện của mình? Tóc của tôi sạch lắm chứ! Bộ họ không biết à?”
Và thế là trận chiến về thời trang bùng nổ. Chỉ vì vấn đề chiều dài của chiếc váy thôi, các quan chức nhà trường sẽ mất nhiều tuần lễ để quyết định xem chiếc váy đồng phục sẽ cao hay thấp hơn đầu gối một phân, hai phân hay ba phân. Cầm thước trong tay, các vị giám thị và giáo viên đo từng cái gấu áo…!
Thời trang đã thay đổi, những ngày mặc váy thiếu vải và để tóc dài tạm thời chấm dứt. Mốt quần áo và kiểu dáng tóc là hình ảnh luôn thay đổi, mới mẻ, và mỗi thế hệ thanh niên cần phải lý giải thời trang theo quy tắc phù hợp với Cơ Đốc giáo. Một viên chức nhà nước bảo thủ mà chúng tôi biết đã không có quan hệ thân thiện với một cộng tác viên người nước ngoài có tư tưởng cấp tiến chỉ vì vấn đề thời trang. Có một số Mục sư đã đem vấn đề mốt ăn mặc hiện nay lên toà giảng. Các phụ huynh rất hưởng ứng còn đám trẻ thì ngọ nguậy trên ghế. Nhưng rồi sau đó thì đâu vẫn vào đấy, họ cũng ăn mặc theo ý mình thích. Một số bạn trẻ không dám đi nhà thờ vì những người ăn mặc nghiêm chỉnh ở nhà thờ làm cho họ cảm thấy bối rối khổ sở. Một bạn ăn mặc theo mốt đã cho rằng: Nếu Chúa Jêsus sống trong thời đại này, Ngài sẽ không đánh giá người ta ở các Hội Thánh và các nhóm Cơ Đốc nhân chỉ theo cái nhìn bên ngoài”. Vậy thì đâu là tiêu chuẩn đúng đắn về vấn đề thời trang?
Là con người, chúng ta thường thiên về hai nhược điểm: 1) Chúng ta có khuynh hướng chú trọng thái quá đến dáng vẻ bên ngoài, và 2) khi chúng ta bắt chước người khác, chúng ta lại bắt chước quá đáng. Cơ Đốc nhân không phải không bị ảnh hưởng bởi những khuynh hướng có tính cách văn hoá này. Thông thường, những phản ứng của chúng ta không do quan niệm thuộc linh hay đạo đức kiểm soát, mà do tự ái, ngượng ngùng và những lời đàm tiếu của thên hạ.
Khi một phụ huynh bảo cậu con thiếu niên của mình đi hớt tóc, tôi e rằng mối bận tâm của vị ấy không phải vì cắt tóc ngắn ra vẻ Cơ Đốc nhân hơn”, nhưng vì Các phụ huynh khác sẽ nghĩ gì về ông ta? Ông ta quan tâm đến cương vị là một người cha của mình. Cũng vậy, một thiếu nữ cứ khăng khăng giữ miếng-vá-trên-chiếc-váy vì muốn được thuộc về những người cùng trang lứa và được họ chấp nhận.
Chúa Jesus muốn chúng ta nghĩ khác. Ngài chú ý đến con người thật của tôi” hơn là chiều dài chiếc váy hay mái tóc, màu áo khoác hay kiểu áo sơ mi của tôi. Bất cứ anh bạn râu ria nào hay cô thiếu nữ mặc váy ngắn nào cũng có thể đến với Chúa và được Ngài chấp nhận, yêu thương vì chính con người của họ. Chúa yêu bà cụ già lụm cụm trong bộ quần áo dân tộc thanh nhã, một chàng thổ dân với chiếc khố ngắn củn, cũng như những
phụ nữ để ngực trần trên cao nguyên Bontoc. Nói rằng một ai đó phải ăn mặc thế này thế kia để được Chúa chấp nhận là đặt thêm một giới luật nữa vào Kinh Thánh.
Chúa Jesus quở trách những hình thức sùng kính và nghiêm chỉnh bề ngoài của người Pharisi: …trước hết phải lau bề trong chén và mâm, hầu cho bề ngoài cũng được sạch sẽ… Kẻ giả hình! Vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy. Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi” (Mat 23:26-28).
Một khi chúng ta mở lòng mình ra với Chúa, Ngài sẽ đụng đến tất cả mọi chi tiết của cuộc đời và cách sống của chúng ta. Vì Cơ Đốc giáo là một lối sống hoàn toàn mới. Vậy nếu ai ở trong Đấng Christ thì nấy là người được dựng nên mới, những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (IICo 5:17). Sự tẩy thanh của Đức Chúa Trời đối với người bề trong của chúng ta phải có ảnh hưởng lan rộng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống chúng ta – tầm nhận thức, bạn bè, tiền bạc, vui chơi giải trí, thói quen đọc sách, vẻ ngoài của chúng ta, và đương nhiên, cả cách chúng ta ăn mặc. Tất cả mọi điều đó bây giờ phải được đặt trước câu hỏi then chốt: Điều nầy có làm sáng danh Chúa, Đấng mà tôi yêu kính không?
Về vấn đề thời trang, trong thơ gởi cho Timôthê, sứ đồ Phaolô đã có một mạng lịnh rõ ràng mà ngày nay vẫn áp dụng được như đã từng áp dụng thời xưa. Ông nói rằng: Phụ nữ phải ăn mặc đứng đắn, giản dị và thích hợp. Phụ nữ đã tin Chúa không nên phô trương kiểu tóc, vàng ngọc, hay áo quần quí giá nhưng phải trang sức bằng việc lành” (ITi 2:9,10 – BDY). Phân tích lời khuyên hợp thời này, chúng ta phải nói rằng nữ tín hữu Cơ Đốc (và nam) phải:
- Ăn mặc kín đáo.
Kín đáo là giữ được sự tề chỉnh đứng đắn và đúng mực. Đó là ý thức biết xấu hổ và nó sẽ giữ chúng ta khỏi những hành vi không thích đáng. Thật ra rất khó luôn giữ được cách ăn mặc tề chỉnh đứng đắn khi quanh chúng ta có vô số sự gợi ý và mời gọi chúng ta hãy chìu theo, chìu theo, chìu theo.
William Orr, trong quyển Tình Yêu, Tìm Hiểu và Hôn Nhân than thở cho thực trạng Thế giới ngày nay nhan nhản một hiện tượng đáng báo động đó là sự trơ trẽn và hầu như khiếm nhã trong trang phục của phụ nữ. Các cô, các bà xuất hiện giữa công chúng trong những bộ đồ hở hang, những chiếc quần sọt ngắn ngủn, dường như cốt để làm cho những người đoan chính phải đỏ mặt vì ngượng.
Và lúc nào cũng vậy, ngay cả những chàng trai có đầu óc lành mạnh khi nhìn vào các cô ăn mặc hớ hênh cũng thấy tâm trí và thân xác bị kích động. Thế là tội tà dâm có thể đã hình thành trong tâm hồn một người dù bề ngoài không có biểu hiện gì” (Mat 5:27,28).
Một số cô không nhận thức điều này, một số thì có. Nhưng với một thiếu nữ muốn sống cách đứng đắn trước mặt Chúa, vấn đề ở đây thật rõ ràng. Vì cớ Chúa xin đừng để cho trang phục, hoặc cách ăn mặc thiếu kín đáo của bạn dọn đường cho sự bất khiết trong tư tưởng của người khác.”
Đôi khi nam giới cũng ăn mặc thiếu trang nhã, với những chiếc quần sọt quá hở hang, hay mấy cái quần dài bó thật chặt (như mốt cách đây vài năm). Nhưng cách ăn mặc của nam ít gây tranh cãi trong những vấn đề liên quan đến sự hẹn hò, tìm hiểu. Vì đối với nam giới, hình dáng bên ngoài của các cô thường làm họ bị kích thích, nhưng với nữ giới thì điều khiến họ rung động là những gì thân mật và dịu dàng.
2. Ăn mặc hợp lý.
Trong tiếng Hy Lạp, chữ hợp lý có nghĩa là tự chếngự mình trong sự quân bình và cẩn trọng. Hợp thời trang chính là ăn mặc một cách vừa phải. Đừng bao giờ trở thành người khởi xướng mốt và ngược lại, cũng đừng để mình giống như một người mẫu của những kiểu thời trang đã qua từ mười năm trước. Điều nào cũng sẽ biến bạn thành một mẫu người kỳ cục và lập dị. Hoặc tệ hơn, trở thành đề tài châm biếm của mọi người. Đôi khi bề ngoài cũng cản trở chúng ta trong sự làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu.
Trang phục hợp lý phải phù hợp với túi tiền của chúng ta. Chúng ta thường bị cám dỗ muốn gây ấn tượng với người khác. Lắm lúc chúng ta tìm mọi cách, ngay cả phải chịu mắc nợ để sắm cho mình những món đồ mới. Chúng ta không thể loè được ai với những bộ quần áo đắt tiền tô điểm cho bề ngoài của chúng ta. Mọi người sẽ sớm nhận ra chúng ta là ai và cuộc sống thật của chúng ta ra sao. Tất cả nam và nữ tín hữu Cơ Đốc phải lìa bỏ sự che đậy giả dối đó. Thói hợm hĩnh, khoe mình và giả tạo chỉ dành cho những ai muốn chạy trốn chính mình. Còn chúng ta, những người đã trở lại với Đấng Christ, thì không còn phải chạy trốn nữa. Chúa đã chấp nhận chính con người của chúng ta. Hãy sống với con người thật của mình, để rồi cư xử và ăn mặc theo đúng khả năng và hoàn cảnh của chúng ta.
- Ăn mặc thích hợp.
Phải ăn mặc tuỳ lúc, tuỳ nơi. Đừng mặc bộ đồ dạ hội đi picnic hay mặc quần jean đến dự nhóm thờ phượng. Mốt thôn quê không giống mốt thành thị. Bộ quần áo được xem là đứng đắn và hợp thời ở Manila lại có thể trở thành vấn đề ở vùng nông thôn San Pedro, và ngược lại. Ít nhất chúng ta cũng nên để ý đến những điểm khác biệt ấy.
Trang phục nhằm tôn cao nhân cách của chúng ta. Bản thân nó không phải là trung tâm của sự chú ý. Cho nên trang phục phải kết hợp hài hoà với chúng ta. Sự chọn lựa cẩn thận những màu sắc phù hợp với làn da chúng ta sẽ tạo được sự hài hoà đó. Cũng vậy, kiểu dáng bộ đồ sẽ đem đến sự thoải mái và giúp chúng ta có cảm giác tự nhiên, gần gũi với mọi người. Còn những môđen nhất thời và đôi khi thái quá e rằng không thích hợp với chúng ta. Đừng để mình trở thành nô lệ của mốt. Thay vì bị cuốn theo cơn lốc thời trang, chúng ta nên học cách khẳng định tính cách của mình.
Do đó, Cơ Đốc nhân cần ăn mặc giản dị, hợp lý và thích hợp để tạo sự thu hút đến cho Chúa. Luộm thuộm không phải là phẩm cách của người Cơ Đốc. Sự tiêu pha phung phí xa xỉ nhằm thoả mãn cái tôi và tính hợm hĩnh cũng vậy. Hãy tỏ ra hấp dẫn nếu bạn là nam và quyến rũ nếu là nữ mà không đánh mất sự tôn trọng nơi người khác, cũng không làm mất uy tín cứu Chúa chúng ta rất yêu quí
Cuối cùng, chúng tôi muốn nhắc lại rằng nhân cách một người có giá trị cơ bản hơn là cái mà người ấy khoác lên người. Người bề trong quan trọng hơn vẻ ngoài. Đức Chúa Trời không đánh giá thuộc linh một người theo độ dài chiếc áo họ mặc nhưng theo mức độ tình yêu người ấy dành cho Ngài và sự quan tâm họ dành cho tha nhân. Nhưng cách thức ăn mặc sẽ đóng vai trò chứng nhân thầm lặng cho tình yêu và sự quan tâm ấy của chúng ta.
Xin hãy bỏ tay ra!
Một nữ sinh viên đại học rất xinh đẹp đến gặp nhà tôi để xin được cố vấn. Cô bộc bạch nỗi khổ tâm giữa những giọt nước mắt chua xót và những hơi thuốc bồn chồn lo lắng. Bạn em và em đã đi quá xa, em đã để anh ấy quá tự do và giờ đây em rất hoang mang. Dường như mọi sự… mọi sự hỏng bét cả! Tệ hơn nữa là, cô ấp úng, anh ấy muốn chúng em chia tay.”
Một mối tương giao đẹp đẽ giữa hai người có thể trở nên hoàn toàn chỉ còn là sự đam mê xác thịt. Chúng ta gọi đó là âu yếm. Trong giai đoạn hẹn hò với nhau, đây là một trong những cám dỗ lớn nhất các bạn sẽ vấp phải. Âu yếm có thể chỉ khởi đầu bằng những hành động thân mật và vô tư như nắm tay nhau, nhưng sau đó sẽ là hôn hít, vuốt ve và rồi mê mãi mơn trớn nhau. Lúc đó cả hai sẽ chìm trong khoái cảm của xác thịt, dù chưa dẫn đến sự ăn nằm với nhau. Ham muốn những sự gần gũi xác thịt như vậy thường cấp bách và mạnh mẽ hơn ở phái nam. Và khi sự chung đụng được tiếp diễn, nó sẽ trở thành một con thú cảm xúc dữ dội.
Nhiều nhà tâm lý thường cho rằng âu yếm không dẫn đến hậu quả gì. Nhưng thật ra nó hạ thấp phẩm cách con người. Sau khoảnh khắc được thoả mãn xác thịt, người ta chợt nhận ra điều mình đã làm chính là lợi dụng thân xác ai đó để thoả mãn dục vọng của mình mà không bận tâm đến trách nhiệm về sự thai nghén, về hôn nhân hay gia đình gì cả.
Âu yếm cũng không bảo đảm sẽ dẫn đến hôn nhân. Một vài cô gái tự do nghĩ rằng nếu mình để cho người yêu khám phá thân thể mình chắc sẽ bảo đảm cho tiếng chuông đám cưới vang lên rộn rã. Thật là một lầm lẫn tai hại! Một số đông các cặp bồ bịch với nhau đã rã đám sau một thời gian ngắn. Nếu âu yếm là một phần của mối quan hệ giữa hai người, cô gái biết rằng mình không hơn gì một cô gái làng chơi.
Hơn nữa, âu yếm có thể dẫn đến quan hệ xác thịt. Trong hôn nhân, điều đó là điều bình thường tự nhiên, vì chính Đức Chúa Trời đã tạo thành như vậy. Khi ở trong tình trạng tâm lý và sinh lý đã bị kích thích quá mức, ý chí muốn nói câu Thôi đủ rồi đó, chúng ta sẽ dừng lại thôi cũng biến luôn. Và đằng sau quan hệ xác thịt là không ít những nỗi lo sợ: sợ sẽ có thai, sợ bị phát hiện sự thật, sợ bị mất danh dự, sợ vì chưa sẵn sàng để gánh vác những phận sự nặng nề của trách nhiệm làm cha mẹ. Tất cả sẽ thật sự làm choáng váng bất cứ người nào vướng vào tình thế khó xử ấy.
Nền tảng vững chắc của hôn nhân không thể nào xây trên một bãi cát hay dời đổi của khoái lạc thể xác là sự âu yếm. Một nền tảng bền vững phải làm bằng những chất liệu rắn chắc hơn – sự quý trọng, danh dự, trinh trắng, yêu thương và hy sinh.
Đối với các bạn trẻ Cơ Đốc, chúng tôi không cần nói gì thêm nữa. Nếu, trong định nghĩa của bạn, hẹn hò là âu yếm, thì nó phải hoàn toàn được dứt bỏ ra khỏi ý tưởng của bạn. Chúng ta hãy ghi sâu vào lòng và trí mình những câu Kinh Thánh trong ICo 6:19-20: Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về
chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời”.
Những đôi bạn nào chưa có dự định kết hôn ngay phải giảm những lần hẹn hò liên tục. Sự thân mật quá mức dễ dẫn tới khinh lờn. Đó là một cám dỗ rất lớn thường dẫn tới sự gần gũi thể xác. Các bạn trẻ đừng liều lĩnh nhắm mắt trước thực tế của cuộc sống. Chỉ vì một phút phiêu lưu tình dục ngắn ngủi mà nhiều cuộc đời đã bị phá hỏng, nhiều mơ ước thanh xuân tan vỡ. Không một đôi bạn Cơ Đốc nào yêu nhau tha thiết có đủ tự tin để nói: Chúng tôi thì khác. Chẳng thể có chuyện đó xảy ra với chúng tôi đâu!” Chúng ta nhớ kỹ câu Kinh Thánh cảnh cáo chúng ta rằng: Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã (ICo 10:12).
Bỏ trốn gia đình hay sống thử với nhau?
Xã hội chúng ta quá quen với lối xử sự của một số bạn trẻ, lén trốn đi, xong đem nhau đến toà làm đám cưới vội vã, và rồi chạy về nhà cha mẹ để chính thức làm lễ kết hôn trong nhà thờ. Việc đó phổ biến đến nỗi đã xảy ra hay ít nhất cũng là sự cám dỗ với nhiều Cơ Đốc nhân.
Bỏ nhà cùng nhau trốn đi có đúng không? Cơ Đốc nhân có nên tính đến việc bỏ trốn như thế không? Đây là những câu hỏi cứ được nhắc đi nhắc lại mãi.
Việc cùng nhau bỏ trốn khơi dậy trí tưởng tượng của chúng ta về một sự giải thoát hào hiệp, một hành động hiệp sĩ nhân danh tình yêu. Một cái gì đó thật lãng mạn. Hai người tha thiết yêu nhau, nhưng hạnh phúc của họ bị cấm cản bởi những bậc cha mẹ hay kén chọn, chê bai và cố chấp, nên họ tin rằng hy vọng duy nhất là phải đi tìm cái dường như là sự tự do. Bỏ trốn là giải pháp luôn được nghĩ đến trước tiên. Ngày nay điều này dễ làm hơn, không phải cần đến một chiếc thang trong một đêm tối trời như khi xưa. Tính năng động của tuổi trẻ ngày nay cho phép họ bỏ trốn theo cách bình thường nhất, có thể chỉ với sự giúp đỡ nho nhỏ của vài người đồng tình hay của một số bạn bè nào đó.
Trên thực tế, một quan chức hộ tịch địa phương cho biết cứ có 100 cặp lấy nhau thì đã có đến 10 cặp do bỏ trốn khỏi gia đình, đó chỉ mới là một sự ước lượng dè dặt. Một Hội Thánh địa phương cho biết trong suốt 10 năm chỉ có một đám cưới tại nhà thờ. Không phải vì không có những cặp trẻ tuổi lấy nhau. Nhiều người đã lập gia đình, nhưng theo phương cách riêng của họ – trốn đi.
Nguyên nhân thông thường nhất dẫn đến sự bỏ trốn là do cha mẹ phản đối cuộc hôn nhân những người trẻ dự tính. Trường hợp của Eddie và Laura là tiêu biểu. Eddie là một chàng trai vạm vỡ 19 tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai. Laura thì vừa mới tốt nghiệp trung học. Tuy yêu nhau, nhưng cả hai không dám gặp gỡ công khai vì sợ bố của Laura, nhưng vào những ngày đã chọn lựa kỹ càng, họ đi khỏi khu xóm lên thành phố nơi họ có thể yên tâm hoà nhập vào giữa dòng người đông đảo. Tuy nhiên, một ngày nọ, bạn của bố Laura bắt gặp và thuật lại cho ông ta nghe mọi sự. Ông nổi trận lôi đình và đánh Laura nhừ tử, để lại nhiều thương tích trên thân thể cô.
Laura khóc lóc năn nỉ: Hãy trốn đi, Eddie ơi, dắt em đi bất cứ nơi nào anh muốn”. Eddie thú thật với tôi: Em rất muốn trốn nhưng em sợ. Em sẽ làm gì đây?”
Nhìn Eddie, tôi cảm nhận được nỗi đau khổ của cậu ta. Xem ra ông bố Laura ngăn cản, phản đối chỉ vì con gái mình còn trẻ quá, và vẫn còn phải đi học.
Tôi hỏi: Nếu em trốn đi với cô ấy, em có đủ sức lo cho vợ không? Em sẽ đi đâu? Em sẽ làm gì?” Cậu ta mệt mỏi lắc đầu và lẩm bẩm Ba em sẽ giết emọ.
Là con người, học hành là một trong những ham thích của chúng ta và chúng ta ý thức được tầm quan trọng của nó trong cuộc sống. Nhiều gia đình Philippine không đủ khả năng cho cùng một lúc năm sáu hay bảy đứa con đi học. Cho nên nhiều phụ huynh muốn con họ khoan nghĩ đến việc kết hôn vì họ cần sự phụ giúp tài chánh để có điều kiện
cho những đứa bé hơn đến trường. Khi một đứa con trai vừa tốt nghiệp hay tìm được việc làm rồi lập gia đình ngay thì triển vọng giúp đỡ gia đình của cậu ta xem như tiêu biến.
Nhưng màọ, chúng ta có thể bất mãn, bộ chúng tôi phải có trách nhiệm giúp các em mình đi học sao? Đó là trách nhiệm của bố mẹ tôi cơ mà? Tại sao tôi lại bị tước đoạt tự do và hạnh phúc cá nhân như thế?”
Đó là những thắc mắc hợp lý. Nhưng điều chúng ta cần nhớ là hầu hết các bậc cha mẹ đều ý thức được nghĩa vụ của mình đối với con cái. Mặt khác, chúng ta phải nhìn nhận rằng dân tộc ta còn nghèo khổ, đất nước ta còn khó khăn, cho nên nếu những thành viên trong gia đình biết trợ giúp nhau thì tình yêu thương của Đức Chúa Trời sẽ được bày tỏ ra một cách vô cùng đặc biệt. Hãy suy nghĩ vấn đề cách nghiêm túc. Trong khi một thanh niên hay thiếu nữ Cơ Đốc còn độc thân thì chưa phải lo chu cấp cho vợ, chồng hay con mình. Khi đã kết hôn, trước mắt bạn sẽ phải dành cả một đời ràng buộc với những trách nhiệm của gia đình. Cho nên thời gian độc thân đem lại cho bạn một sự tự do không bao giờ lặp lại để bạn có thể giúp đỡ bố mẹ, anh em, chỉ là một hoặc hai năm mà thôi.
Có thể có những lý do khác khiến cha mẹ phản đối một cuộc hôn nhân, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng họ có sự hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm tích luỹ qua nhiều năm tháng. Chúng ta hay nhìn cha mẹ qua lăng kính thường là những tình cảm lãng mạn và bồng bột nhất thời của mình. Do đó cha mẹ dường như nghiêm khắc, khó khăn vô lý. Cơ Đốc nhân cũng nên cân nhắc những lý lẽ do người lớn đưa ra, vì không có ông cha bà mẹ biết suy nghĩ nào, dù là tín hữu hay không, lại cố tình phá hoại hạnh phúc của con em mình. Chúa ban cha mẹ cho con cái là nhằm mục đích tốt lành.
Quan điểm của Kinh Thánh cho thấy rằng bỏ trốn gia đình không phải là sự lựa chọn của Cơ Đốc nhân. Một mạng lịnh từ thời Cựu ước và được nhắc lại trong Tân ước ghi rằng: Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xu 20:12). Trong Tân ước, Phaolô cũng nhấn mạnh điều ấy: Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhất, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Eph 6:1-3).
Người Philippine vốn coi trọng sự chấp thuận của cha mẹ. Điều này không chỉ là quan niệm văn hoá của dân tộc mà cũng là tinh thần của Kinh Thánh, đó là một giá trị cần phải được phát huy và bảo tồn. Chúng ta nên xem xét cẩn thận và thông cảm với thái độ phản đối của cha mẹ. Vì đó có thể là cách Đức Chúa Trời cho biết rằng chúng ta chưa đến lúc lập gia đình. Sự trưởng thành và sẵn sàng của đôi bạn để thích ứng với hôn nhân có thể là vấn đề cần phải suy nghĩ đến, khả năng thu nhập ổn định (đôi khi chưa có) của đôi bạn cũng vậy. Chưa tìm được hoặc chưa tạo được mái nhà cho riêng mình có thể là lý do khiến đôi bạn phải chờ đợi thêm ít thời gian nữa.
Có lẽ còn những trở ngại thực tế khác khiến cuộc hôn nhân thiếu đi sự hạnh phúc và hoà hợp. Hôn nhân là chuyện của cả một đời, và gây ra sự thất vọng cho gia đình cùng những người thân yêu trong lãnh vực này sẽ đem đến sự đau buồn và phiền muộn cho cuộc sống cho cuộc sống lứa đôi của chúng ta trong suốt một thời gian dài. Trong khi đó
chỉ cần sự tán thành và hỗ trợ của cả gia đình cũng đủ là một đảm bảo khiến chúng ta có thể cảm nhận được sự tốt đẹp và hạnh phúc trong hôn nhân. Người Philippine chúng ta, vốn tự hào về tính độc lập và tự do, vẫn phát triển, sống và yêu thương cùng với cha mẹ và gia đình.
Dù kín đáo đến đâu, việc dẫn nhau bỏ trốn vẫn đem đến sự xấu hổ cho cả gia đình cô gái. Ngay cả khi đôi bạn chạy trốn ấy có đến thẳng nhân viên hộ tịch hay tìm gặp Mục sư, thì tiếng đồn và xì căng đan vẫn là những điều không thể tránh khỏi. Tệ hại hơn, vì đa số đều bỏ trốn trong đêm tối hay tìm đến các thành phố xa lạ, gần như hầu hết các cặp đều chung đụng thể xác trước khi cưới nhau. Và cũng không ngạc nhiên khi đến 45% các cặp kết hôn đều sinh con đầu lòng trước khi đủ chín tháng kể từ ngày cưới.
Cuối cùng, việc bỏ trốn gia đình vô hiệu hoá những lời làm chứng về Tin Lành của chúng ta. Đức Chúa Trời mà chúng ta vẫn xưng nhận là Đấng chân thật, yêu thương, thánh khiết bị xem thường trong mắt những người thân và mọi người chung quanh chúng ta. Và nếu nhìn đến tương lai, gương mẫu Cơ Đốc nào sẽ được chúng ta bày tỏ ra cho con cháu và thế hệ trẻ ở dưới sự hướng dẫn của chúng ta? William Orr, viết trong quyển TÌNH YÊU, TÌM HIỂU Võ HÔN NHÂN rằng: Có một điều vô cùng đáng tiếc mà sự bỏ trốn đem đến, đó là nó khiến cả cô gái lẫn chàng trai mất đi một trong những kinh nghiệm thoả lòng nhất. Một đám cưới với mọi sự tốt đẹp” sẽ là một trong những kỷ niệm quí giá nhất trong đời”.
Việc thử sống chung với nhau lại là việc khác. Nhiều cặp cho rằng không nhất thiết phải cần đến hôn nhân, miễn họ thật sự yêu nhau là được rồi. Có một sinh viên chủng viện đã hùng hồn giảng giải cho tôi trong một bài thuyết trình: Có phải tình yêu là yếu tố quan trọng nhất trong hôn nhân không nào? Chứng nhận kết hôn chẳng qua chỉ là một tờ giấy, cho nên nó không cần thiết đối với hạnh phúc lứa đôi. Sống thử với nhau cũng tốt y như kết hôn nếu như cả hai thật sự gắn bó với nhau.”
Vậy à, đó rõ ràng là dấu hiệu của một sự xuống dốc về tiêu chuẩn đạo đức của các sinh viên trường Kinh Thánh ở vài nơi. Nó cho thấy quan niệm đạo đức phổ biến của trần gian đã bén rễ trong tâm tưởng nhiều bạn trẻ ngày nay. Tuy vậy, anh bạn kia đã đưa ra một vấn đề. Chúng ta thường thấy những đôi cưới hỏi đàng hoàng mà vẫn có nhiều nan đề trầm trọng trong gia đình. Chúng ta cũng thấy quá nhiều gia đình tan vỡ để rồi nhận ra rằng tờ giấy được gọi là chứng nhận kết hôn đó mong manh như thế nào. Chúng ta còn chứng kiến nhiều cặp cùng chung sống dưới một mái nhà mà lòng họ đã ở nơi khác. Thế thì có gì khác nhau giữa một đám cưới linh đình hay một tờ chứng nhận kết hôn?
Đối với vấn đề này, chúng tôi xin đưa ra vài câu hỏi ngược lại: Những điển hình tiêu cực của hôn nhân nói trên có phải là cái cớ hợp lý để các Cơ Đốc nhân sống thử với nhau không? Có phải Đức Chúa Trời hoạch định hôn nhân là tạm sống chung với nhau như vậy không?
Tình trạng tạm sống chung với nhau là một thử nghiệm. Một số ít thành công, nhưng đa số đã tan rã sau một thời gian. Trong cuộc sống chung ấy, qua những chung đụng thể xác và nếp sống giống như một gia đình, có một sự ngầm thoả thuận với nhau nhằm
khám phá xem đôi bên có thích hợp với nhau và xem mối quan hệ đó có đáng để dẫn tới sự ràng buộc qua một hôn nhân hợp pháp công khai hay không. Nếu sau một thời gian, họ nhận thấy mình không thích ứng họ sẽ cắt đứt mối quan hệ ấy. Hoặc âm thầm rút lui để tìm đối tượng khác thích hợp hơn người trước, mà không hề có chút vướng bận lương tâm, hay ý thức bổn phận đối với những đứa trẻ sinh ra do mối quan hệ ấy. Xem ra rất tiện lợi và đơn giản. Trong thời đại tự do và cách mạng tình dục này, điều ấy có vẻ được đấy chứ. Đó là điều mà Lita, một cô bạn thân của tôi đã nghĩ.
Vài năm trước cô là một ca sĩ phòng trà nhiều tham vọng muốn được trở nên nổi tiếng. Trong khi cô chạy sô quanh các phòng trà địa phương, tình cờ cô gặp chàng trai trẻ đáng mến này vốn là một sinh viên năm thứ nhất. Say đắm nhau, họ nghĩ là sống chung sẽ đem hạnh phúc đến cho nhau. Họ thực hiện điều đó và thấy mình hạnh phúc.
Lita ngày càng trở nên một ca sĩ thành công. Cơ quan cử cô sang Nhật. Trong khi ở bên đó, tiền dành dụm hàng tháng của cô được gởi về để lo cho chàng trai ăn học, và hằng năm cô vẫn dành một khoảng thời gian về sống với chồng. Đến khi chàng tốt nghiệp và Lita cho rằng bây giờ đã đến lúc họ có thể công khai kết hôn với nhau. Nhưng cô thất vọng não nề vì gia đình đàng trai không chấp nhận cô. Cô chỉ là ca sĩ, một cái nghề đáng ngờ đối với một người vợ hiền. Khi cô biết được người yêu đang mê mệt với cô bạn thân nhất của mình, thì cuộc sống chung thử nghiệm đổ vỡ tan tành và Lita vô cùng đau khổ.
Không, không có sự công bằng hay bình đẳng trong một cuộc sống chung tạm bợ. Cô gái thường là người thua thiệt. Cô đã để cho mình bị lợi dụng, và có lẽ bị lợi dụng một cách tàn tệ về tình dục. Ngoài ra, đôi khi cuộc sống đó đem đến kết quả là một hay nhiều đứa bé ra đời, đến khi mối tình tan vỡ, đám trẻ sẽ bị bỏ lại cho ai, nếu không phải là người mẹ? Tôi biết một vài bà mẹ không chồng đã cố gắng nuôi dạy đàng hoàng những đứa con không cha với một công việc làm ổn định. Sự thiếu thốn trầm trọng về tình cảm cộng với nỗi hổ nhục giữa xã hội làm hao mòn sức mạnh và lòng can đảm của các gia đình không trọn vẹn ấy. Có những người không đủ nghị lực để chịu đựng. Vì lý do tài chính và/hoặc vì lý do tình cảm, họ buông mình vào trong vòng ràng buộc với hết người đàn ông nầy đến người đàn ông khác. Để rồi bị bỏ lại trong sự khinh bỉ. Sống thử với nhau có thể là mốt sống đang thịnh hành hiện nay nhưng không đáng cho chúng ta noi theo.
Tìm những sự hoà hợp để đảm bảo cho một hôn nhân tốt đẹp chỉ bằng cách sống thử trước với nhau sẽ không kết quả. Cuộc hôn nhân nào cũng có những điểm gay go hay bất đồng. Nhưng nhờ đôi vợ chồng có nhận thức chắc chắn về một mối quan hệ lâu dài, một sự ràng buộc cả đời với nhau nên họ có thể giải quyết mọi sự dị biệt đó. Tình yêu đối với nhau và sự hy sinh dành cho nhau sẽ giúp họ khoả lấp những điểm bất đồng. Một gia đình thử nghiệm sẽ không thể đưa đến kết quả như vậy.
Và sau cùng, đối với hôn nhân Đức Chúa Trời đã có một chủ đích bền vững tồn tại từ ban đầu. Hôn nhân không đặt nền tảng trên sự thích hợp với nhau mà là sự bổ sung cho nhau. Câu chuyện về sự sáng tạo cho thấy một chân lý quí giá đó là Êva đã trở thành đối tượng hoàn hảo của Ađam vì bà là người giúp đỡ tương xứng với ông (theo ý Sa 2:18). Sự bổ sung tương xứng đó tuyệt vời đến nỗi Ađam đã thốt lên khi thấy vợ mình, ngườii nầy
là một phần xương thịt của tôi (Sa 2:23 – BDY). Và do vậy, sách Sáng thế ký đã công bố: Vì thế, người nam sẽ rời cha mẹ để gắn bó với vợ, hai người trở thành một” (Sa 2:24 – BDY).
Không có chỗ nào trong ký thuật về cuộc sáng tạo hay trong bất cứ phần Kinh Thánh nào lại tán thành một cuộc hôn nhân tạm thời, thử nghiệm, nửa vời cả. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta: Hãy tôn trọng hôn nhân, giữ lòng chung thuỷ và thánh sạch, vì Thượng Đế sẽ đoán phạt người gian dâm, ngoại tình” (He 13:4 – BDY).
Chờ đợi dấu hiệu mở đường của Đức Chúa Trời là một trong những điều khó làm nhất. Nhưng một Cơ Đốc nhân đã nhận biết Chúa Jesus Christ là Chúa và Chủ của đời mình thì nên chờ đợi còn hơn hối hả bước vào hôn nhân bằng cách bỏ trốn cha mẹ hoặc thử sống chung với nhau trước. Đúng là những khởi đầu sai sót có thể sửa chữa và khắc phục, nhưng nỗi đau đớn và khổ sở về tinh thần không dễ gì quên được. Giá phải trả sẽ rất đắt. Vậy thì tại sao phải trả làm gì?
Lời Kết
Thánh Augustine đã cầu nguyện: Cha đã tạo dựng chúng con cho chính Cha, nên tâm hồn chúng con vẫn bất an cho đến khi tìm được sự yên nghỉ trong Cha”. Sự bất an của tuổi trẻ không phải chỉ là một hiện tượng sinh lý hay thực trạng văn hoá xã hội mà còn là vấn đề của tâm linh. Đức Chúa Trời là nơi chúng ta neo chặt vào. Xa khỏi Ngài, chúng ta sẽ trôi dạt lênh đênh, bất định, tìm kiếm hướng đi cho mình một cách vô vọng.
Khi đặt niềm tin của mình nơi Chúa Jesus, Ngài sẽ làm cho chúng ta vững vàng, ổn định. Ngài mở rộng tầm nhìn vào tương lai của cuộc đời chúng ta, làm cho mọi sự trở nên rõ ràng. Chúa sẽ khiến chúng ta nhận thức được những đặc ân và trách nhiệm của chúng ta, những con cái tự do nhưng cũng mẫu mực của Ngài. Ở trong Chúa, tình yêu dành cho người khác phái không còn chỉ là cảm xúc nhất thời – dữ dội như một cơn bão nhưng cũng mỏng manh như một cành khô. Thay vào đó, tình yêu trở thành một sự gắn bó đầy trách nhiệm, tự chủ và chắc chắn với người khác.
Và sau cùng, khi một người trẻ nói lên câu Anh yêu em thì điều ấy hàm ý gì? Nó có nghĩa là: Chỉ có em, em, và em mà thôi. Em sẽ ngự trị trong trái tim anh. Em là người anh ao ước, nếu không có em, anh không thể nào trở nên trọn vẹn. Anh sẽ đánh đổi mọi sự, từ bỏ tất cả vì em, chính anh và những gì thuộc về anh. Anh sẽ sống vì một mình em, và sẽ làm việc vì một mình em. Anh đang chờ đợi để có được em. Anh sẽ luôn luôn nhịn nhục em. Không bao giờ cư xử thô bạo với em, dù chỉ bằng lời nói. Trước sự hiện diện của em, anh sẽ luôn luôn trong sáng, thành thật và chân thành. Anh sẽ chăm nom, che chở em và giữ cho em khỏi mọi điều ác. Anh sẽ chia xẻ với em tiền bạc, tư tưởng, cả tâm hồn và thân xác của anh. Anh không muốn làm điều gì mà không có em. Anh muốn luôn luôn ở bên cạnh em…”
Tôi Có Yêu một Thiếu Nữ, Walter Trobisch
Một lời cam kết như thế cần có sự đồng công của Đức Chúa Trời.
Nếu như quyển sách này có ích lợi cho bạn. Hay cùng chia sẻ ra cho nhiều người. Và nếu bạn muốn góp phần dâng hiến xây dựng mục vụ chúng tôi. Xin hãy vào phần DÂNG HIẾN nhé – Ban quản trị