Tha Thứ Thật Không Dễ Dàng
Tha thứ cho người khác không bao giờ là dễ dàng. Chúng ta chọn tha thứ cho người từng làm tổn thương chúng ta bởi vì chúng ta vâng lời Chúa và biết ơn Ngài.
Có những mối quan hệ mà khi nhìn vào đó, chúng ta thấy những sự cay đắng, nước mắt và tổn thương. Thật khó để chúng ta có thể tha thứ cho những người khi mà họ đã đi qua cuộc đời mình `và để lại quá nhiều thương tổn. Nhưng việc chúng ta tha thứ cho họ chỉ có một lí do, đó chính là chúng ta vâng lời Chúa hoặc là biết ơn Ngài. Nghe có vẻ thật vô lí khi mà chính chúng ta là người đang bị tổn thương rành rành trước mắt, và rồi chúng ta tha thứ vì chúng ta biết ơn Chúa và vâng lời Ngài. Chúa có cảm thấy bất công không? Ngài có thấu hiểu những tổn thương, những gì tôi đã chịu đựng, và trải qua không?
Ngài có! Ngài cũng đã trải qua cảm giác bị tổn thương tột cùng khi chính môn đồ ăn cùng bàn với Ngài lại phản bội Ngài với một cái hôn, là dấu hiệu để bọn lính bắt Ngài trong một đêm tối. Ngài thấu hiểu sự bất công khi mà Ngài không hề phạm tội, lại phải chịu hình trên cây thập tự vì tội của những người ghét Ngài, của chính chúng ta. Ngài trải qua cảm giác bị từ chối và bỏ rơi khi một môn đồ của Ngài, trước đó không lâu khẳng định sẽ không chối Ngài, ấy thế mà khi người ta hỏi đến thì môn đồ đó còn phủi sạch là không hề biết Ngài. Trên cậy thập tự, Ngài đội mão gai, huyết từ nơi tráng, hông Ngài đổ ra, Ngài đã chịu những điều đó vì tội của chúng ta.
Trong câu chuyện ngụ ngôn người mắc nợ được tha, ông mắc nợ 10.000 talang (1 talang = 6.000 đơ-ni-ê = 20 năm tiền lương đi làm. 10.000 talang ~ lương đi làm cả đời của 5000 người) nhưng đã được chủ tha thứ cho, nhưng ông bắt tội người mắc nợ ông 100 đơ-ni-ê (~4 tháng lương thời Chúa Jesus). Chủ đã quở trách ông rằng Ngài đã tha thứ cho ông món nợ rất lớn, nhưng ông lại không tha thứ cho người mắc nợ ông một món nợ nhỏ.
Có những tổn thương, khi mà chúng quá sâu và đã để lại nhiều ảnh hưởng đến chúng ta, thật khó để tha thứ. Chúng ta có thể đưa ra nhiều lí do để không tha thứ cho người từng làm mình tổn thương, nhưng chúng ta chỉ có một lí do để tha thứ, đó chính là biết ơn Chúa và vâng lời Ngài để tha thứ.
Lại có những người từng đem đến tổn thương cho người khác, nhưng chính họ từng là nạn nhân bị tổn thương bởi một điều gì đó, từ trong gia đình hay ngoài xã hội. Tổn thương nối tiếp tổn thương. Bình chứa tình yêu trong họ không được lấp đầy bằng tình yêu, mà thay vào đó là những sự cay đắng, tổn thương trong quá khứ. Do đó, điều họ có thể cho đi lại là tổn thương và cay đắng. Thật không may, bạn hay người xung quanh bạn lại trở thành nạn nhân, hứng chịu tiếp những cay đắng tổn thương từ người đó rót đổ lên. Phải có một điểm dừng cho sự nối tiếp thương tổn cay đắng này, đó chính là vâng lời Chúa mà tha thứ cho họ; để tấm lòng của chính mình được đổ đầy tình yêu trọn vẹn của Chúa, đến nỗi không còn chỗ cho những cay đắng từ người kia đổ vào mình nữa.
Tập chú vào Chúa, ngập tràn chính mình trong sự hiện diện của Ngài, và rồi sự vâng lời Chúa không còn khó khăn nữa, vì “Trước mặt Chúa có trọn sự khoái-lạc, Tại bên hữu Chúa có điều vui-sướng vô-cùng.” (Thi-thiên 16:11)
Đừng để tấm lòng của mình chứa những tạp chất của sự cay đắng khi mà Chúa có thể lấy đi những cay đắng đó, và làm đầy lòng bạn với tình yêu ngọt ngào của Ngài. Đừng để tấm lòng của bạn bị rạn nứt bởi những tổn thương từ người khác, khi mà Chúa có thể chữa lành và ban mão hoa cho người than khóc. Và chìa khóa để nhận lãnh những điều đó chính là sự vâng lời để tha thứ.
Đừng để sự không tha thứ cầm giữ tấm lòng và ngăn trở phước hạnh trong sự hiện diện của Chúa trên đời sống chúng ta.