Hôn nhân

Gia Đình Là Tiền Tuyến, Không Phải Là Chiến Tuyến

Một cặp vợ chồng trung niên ngồi đối diện với tôi tại văn phòng. Họ là cột trụ trong Hội Thánh, nhưng hôn nhân của họ gặp biến cố. Và dưới đây là lý do khiến họ tìm đến tôi…
Người chồng muốn tôi thay đổi người vợ, còn người vợ lại muốn tôi thay đổi chồng mình.
Rồi chúng tôi cùng đọc Ma-thi-ơ 7:3–5, tôi hỏi câu Kinh Thánh này có thể áp dụng cho trường hợp của họ không, rằng có phải cả hai không còn nhìn thấy “cây đà” trong mắt mình, và những gì họ muốn là lấy cho bằng được “cái rác” trong mắt nhau?
Căn phòng yên lặng hẳn. Họ chưa hề nghĩ đến việc áp dụng câu Kinh Thánh này vào hôn nhân. Mặc dù đã tin Chúa nhiều năm, nhưng vẫn chưa có sự kết nối giữa Lời Chúa mà họ lắng nghe mỗi sáng Chúa Nhật, với cách họ cư xử với nhau hàng ngày trong gia đình.
Giống như nhiều người khác, cặp vợ chồng này đã thất bại trong việc áp dụng một nguyên tắc được lặp đi lặp lại xuyên suốt Kinh Thánh, nhưng thường bị phớt lờ trong các trường thần học, các Hội Thánh: chỗ đầu tiên chúng ta cần sống và bày tỏ Phúc Âm chính là gia đình mình.

* Gia đình là tiền tuyến

Nơi tôi tập tành đời sống phục vụ chính là gia đình. Vợ và con cái tôi là những người gần nhất, và Chúa muốn tôi yêu thương những người lân cận mình. Gia đình là nơi đầu tiên tôi được kêu gọi để bày tỏ tình yêu của Đấng Christ. Tại đây, Đức Chúa Trời quan tâm đến cách cư xử của tôi. Những phẩm chất mà Kinh Thánh đòi hỏi ở những người phục vụ Chúa được chép rất rõ ràng: Con người phải “khéo cai quản nhà mình, có con cái biết vâng phục và ngoan ngoãn; nếu một người không biết cai quản nhà mình thì làm sao chăm lo hội thánh của Đức Chúa Trời? (I Ti 3:4-5). Đối với các chấp sự cũng vậy, “phải là chồng chỉ một vợ, khéo hướng dẫn con cái và cai quản nhà mình” (I Ti 3:12). Và các phẩm chất cũng này dành cho hết con cái Chúa. Trong “Bài giảng tạm biệt” nổi tiếng của Jonathan Edwards có liên hệ tới gia đình, Hội Thánh và Phúc Âm: “Mỗi gia đình Cơ đốc cần giống như một Hội Thánh nhỏ, tận hiến cho Đấng Christ và hoàn toàn bị chi phối bởi mạng lệnh của Ngài”.

* Nơi phơi bày tấm lòng

Thực sự thì gia đình là nơi có đầy đủ thách thức để sống đúng với Phúc Âm. Nơi chúng ta nói nhiều thứ với con cái mình mà không hề nói với người khác; chúng ta bộc lộ sự tức giận với người phối ngẫu nhưng lại che giấu với người khác; người khác không thấy ta lười biếng, nhưng với gia đình thì đó là điều hiển nhiên… Các mối quan hệ trong gia đình mà Đức Chúa Trời đã định sẵn để trở nên phước hạnh lại trở thành vùng chiến sự.
Trong ân điển, Đức Chúa Trời đã dùng những người gần gũi nhất để ta có thể soi rọi thẳng vào bản thân mình. Ngài đã dùng họ để soi tỏ tấm lòng và uốn nắn tôi trở nên giống như hình ảnh của Con Ngài.
Bạn áp dụng những câu Kinh Thánh sau đây vào gia đình mình thế nào? “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ” (I Cô 13:4–5); “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29)
“… người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 1:19–20)
Đối với các cách cư xử và phản ứng của mình, tôi đều thấy con người thật của tôi trong đó

* Nơi rèn luyện bản thân

Trong sự tha thứ, Phúc Âm giúp chúng ta trở nên thánh, Đức Thánh Linh giúp chúng ta mặc lấy lòng yêu thương như Chúa Jesus Christ, và chừa bỏ sự ưa muốn của xác thịt (Cô 3:12–14). Các bậc cha mẹ có thể sống trong Thánh Linh, đóng đinh bản ngã và phục vụ gia đình mình cho tốt. Đức Thánh Linh giúp chúng ta biết nhịn nhục và có lòng nhân từ, không mong đợi bất kỳ sự đền đáp nào từ người khác.
Thông qua gia đình, Đức Chúa Trời đã trui rèn tôi mỗi ngày để tôi thêm yêu mến Ngài, yêu những người lân cận mình và từ bỏ bản ngã. Trong phim Karate Kid, khi Daniel xin ông Miyagi dạy karate. Thật ngạc nhiên, ông Miyagi chỉ cho cậu bé… đánh bóng xe cổ, sơn hàng rào và lau quét sàn nhà. Khi quá mệt, Daniel phàn nàn và ông Miyagi cho biết làm việc vặt mỗi ngày chính là chuẩn bị cho cậu học karate tốt hơn, “lau đi lau lại” chính hình thành cách thức học mà Daniel không thể biết.
“Hôn nhân là trường huấn luyện tâm tánh tốt hơn bất kỳ chủng viện nào, vì tại đó mọi ngóc ngách đời bạn đều được mài dũa” (Martin Luther)
Sống với Phúc Âm trong gia đình và đi theo Đấng Christ có thể ta sẽ phải đối đương đầu với nhiều thách thức, cá biệt có thể đối diện với cảnh gia đình chia cách… “và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình” (Ma-thi-ơ 10:34–37).

Dưới đây là 5 bước thực tiễn để áp dụng Phúc Âm tại gia:

1. Xem con cái và người phối ngẫu như công cụ mà Đức Chúa Trời ban cho nhằm uốn nắn bạn trở nên giống Đấng Christ.

Hãy tin cậy Đức Chúa Trời đang hành động qua những thử thách nhỏ trong gia đình để khiến bạn trở nên giống Chúa hơn. Hãy tin rằng cho dù “cô ấy không hoàn hảo, nhưng cô ấy đủ hoàn hảo để giúp tôi”.

2. Sống chậm, tra xét hành động và phản ứng bản thân

Khi gia đình trải qua nghịch cảnh, rất dễ làm chúng ta xem nhẹ việc tra xét bản thân. Hãy làm chậm lại nhịp sống bạn và tra xét bản thân kỹ càng hơn.

3. Hãy dừng việc bào chữa lỗi mình

Chúng ta rất dễ đổ lỗi cho người khác, nên cần nhận biết rằng không ai khiến chúng ta phạm tội được. Cách chúng ta đối xử với gia đình luôn phơi bày con người thật và tình yêu chúng ta dành cho Đức Chúa Trời. “Vì có ai nói rằng Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (I Giăng 4:20). Ngay cả khi phạm tội, chúng ta vẫn có thể học biết cách làm vui lòng Cha thiên thượng của mình (I Phi-e-rơ 2:23; 3:9).

4. Tìm hiểu Lời Chúa

Kinh Thánh đề cập nhiều những vấn đề mà bạn đối diện trong gia đình. Ví dụ Gia-cơ đoạn I nhắc nhớ bạn cần sự khôn ngoan, bền đổ khi bị thử thách: chậm nói, luôn làm theo Lời Chúa và kìm hãm cái lưỡi của mình.

5. Con cái luôn dõi theo bạn

Sự giả hình từ những người lãnh đạo thuộc linh – bao gồm các bậc phụ huynh – là lý do đầu tiên những đứa con hoang đàng rời bỏ niềm tin. Con cái đang quan sát cách bạn cư xử khi gia đình căng thẳng, chúng xem thử Đấng Cứu Rỗi có đang hành động trong đời sống gia đình chúng không.
Ân điển trong đời thực
Khi cặp vợ chồng mà tôi kể trên ra về, ngay hôm đó họ đã học biết được cách giải quyết vấn đề của mình. Họ sống chậm, luôn tra xét hành động của mình, ăn năn và tin cậy Đấng Cứu Rỗi luôn muốn họ trở nên giống như ảnh tượng của Ngài.

Gia đình là nơi đầu tiên và có lẽ là chỗ khó nhất để chúng ta sống trong ánh sáng của ân điển Đức Chúa Trời.

(Chap Bettis)

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *