Bổn Phận Người Vợ Trong Gia Đình
Đức Chúa Trời không dự định thành lập hôn nhân để chứng minh người nữ bình đẳng với người nam. Ngài đã lập ra hôn nhân để bày tỏ sự kết hợp hài hòa giữa nam nữ và cho thấy họ cần đến nhau biết bao. Ê-va bổ sung cho A-đam và A-đam bù khuyết cho Ê-va. Họ thuộc về nhau như một tổng thể gồm có hai phần, đó chính là công việc kỳ diệu của cánh tay Đấng Toàn Năng. Ađam thừa nhận vợ mình như là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra”.
Trong tâm trí của Đức Chúa Trời Ngài không hề thắc mắc họ có bình đẳng với nhau hay không. Không thể có sự liên hợp “một thịt” nếu người này là thấp kém đối với người kia. Phao Lô nói rằng: “Song trong Chúa thì người nữ vẫn cần đến người nam, người nam vẫn cần đến người nữ; Vì người nữ đã ra từ người nam, thì người nam cũng phải sanh bởi người nữ, và cả thảy đều ra bởi Đức Chúa Trời…”
Chúng ta phải hiểu thật rõ tư tưởng nói rằng chồng và vợ bổ sung cho nhau. Bổ sung cho nhau có nghĩa là bù vào những chỗ trống hay làm cho trọn những chỗ còn thiếu. Chồng và vợ bổ sung những nhu cầu của nhau một cách hỗ tương. Điều này hoàn toàn khác hẳn với sự thích hợp. Tính tương hợp là khả năng chung sống với nhau cách rất hòa thuận. Nếp sống này chủ yếu nhắm vào những sở thích chung và quan điểm giống nhau của cả hai về những điều họ cho là có giá trị.
Những cặp vợ chồng có thể đem vào hôn nhân các sở thích chung là điều rất hay rất tốt. Nhưng kinh nghiệm hàng ngày cho chúng ta thấy đời sống hôn nhân bày tỏ những sự khác biệt hoàn toàn giữa chúng ta với người bạn đời. Chúng ta có thể kể ra hằng trăm điều khác biệt lớn nhỏ giữa mình với người kia và chỉ có thể kiếm được vài cái tương đồng. Và đôi khi nếu phải đồng ý thì chúng ta cũng làm điều ấy cách miễn cưỡng. Nếu hai người đã sẵn hòa hợp với nhau, thì chúng ta có rất ít công việc phải thực hiện để giữ cho hôn nhân tồn tại và có mục đích. Nhưng nếu chúng ta bước vào hôn nhân để bổ sung cho nhau, để chia xẻ, để ban cho, để yêu thương, để giúp người kia trở thành người trọn vẹn và đầy đủ, thì chúng ta sẽ làm trọn mục đích của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân.
Cô vợ là người nắm giữ chìa khóa về tư tưởng của ‘sự bù đắp’ ấy. Cô ta được tạo dựng nên để hỗ trợ, để trở thành một người ‘giúp đỡ’. “Vì người nam không phải được dựng nên từ người nữ, nhưng người nữ ra từ người nam. Không phải đàn ông vì cớ đàn bà mà được dựng nên, bèn là đàn bà vì cớ đàn ông vậy.’ Hầu hết phụ nữ chúng ta đều không ưa ý tưởng này. Từ ngữ ‘người giúp đỡ’ khiến chúng ta nghĩ đến một người kém cõi và ở vị trí thấp hơn. Chúng ta tưởng tượng chính mình phải cuối rạp xuống và khúm núm trước người nắm quyền hành. Chúng ta nghĩ trở nên một người giúp đỡ là trở nên một kẻ nô lệ. Tư tưởng ấy thật khác xa với ý nghĩ của Đức Chúa Trời biết bao!
Thành ngữ ‘người giúp đỡ’ đơn giản có nghĩa là “một người giúp đỡ đáp ứng cho anh ta” hay ‘một người đáp lời anh ta.” Cô chia sẻ những trách nhiệm của chồng, đáp ứng với bản chất của anh ta trong sự yêu thương, am hiểu và hết lòng cộng tác với anh trong việc thực hiện kế hoạch của Đức Chúa Trời. Cô ta tiêu biểu cho một người nương dựa nơi chồng mình và không thể trọn vẹn được nếu thiếu chàng…Vì người nữ được tạo dựng nên từ xương sườn của người nam nên cô được cột chặt vào chàng và chịu trách nhiệm làm người giúp đỡ chàng.” Đức Thánh Linh được gọi là Đấng giúp đỡ chúng ta.
Kinh Thánh trong Giăng 14:16 ở phiên bản tiếng Anh nói rằng: “But the Helper, the Holy Spirit whom the Father will send in My name, He will teach you all things, and remind you of all that I said to you.” Đức Thánh Linh được gọi là Đấng Giúp Đỡ. (Tuy nhiên, đa số các phiên bản tiếng Việt chỉ dịch là Đấng Yên Ủi) Vậy có phải Ngài thấp kém hơn chúng ta? Tất nhiên là không phải vậy.
Chia sẻ – Đáp ứng – Cộng tác. Đây là một nhiệm vụ thật nặng nề.
Chia sẻ nghĩa là loại trừ sự ích kỷ, đáp ứng lại đòi hỏi sự nhạy bén, và muốn cộng tác được cần phải có nỗ lực. Bây giờ chúng ta hãy xem những trách nhiệm của chồng là gì và làm thế nào vợ có thể cùng chồng chia xẻ những trách nhiệm ấy?
Ông chồng với tư cách là đầu gia đình được Chúa kêu gọi để thực hiện trọng trách xây dựng mái ấm. Người vợ chia sẻ trách nhiệm này bằng cách xem gia đình là mối quan tâm hàng đầu của mình. Hầu như chúng ta có thể nghe được tiếng phản đối của nhiều người nữ tân thời theo phái ‘tự do’, những cô gái có nghề nghiệp và các bà mẹ làm công việc bên ngoài. Ở nhà, giữ cho nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, giặt đồ, nấu ăn, sửa đổi và chỉnh đốn con cái từ năm này sang năm khác chẳng mang vẻ của cuộc đời đầy ý nghĩa chút nào. Chúng ta ao ước được bày tỏ chính mình qua công việc mà chúng ta đã được huấn luyện! Nóng lòng được nổi danh giữa đồng bạn. Chúng ta làm như vậy với một lý do tốt, để có thể thêm chút ít vào ngân quỹ gia đình.
Chúng tôi không hề có ý nói rằng những người vợ, người mẹ như chúng ta đi làm công việc bên ngoài là hoàn toàn sai. Chúng ta nên đi làm việc nếu điều đó là cần thiết. Nhưng đừng bao giờ để cho nghề nghiệp, ngay cả sự kêu gọi vào “chức vụ hầu việc Chúa” nắm lấy quyền ưu tiên của chồng và con chúng ta. Khi một thiếu nữ đang hầu việc Chúa quyết định lập gia đình, thì chức vụ của cô chính là chồng và mái ấm gia đình và điều đó thật sự đến từ Chúa. Có lẽ chúng ta chống đối ý tưởng này nhưng vấn đề thực sự là thế.
Peter Marshall là một nhà truyền giáo trứ danh vào thời của ông, đã khen ngợi các bà mẹ bằng cách nói rằng: Chúng ta nghe rất nhiều về những người nữ khác nhau, nào là những người nữ đẹp đẽ, những người nữ khôn ngoan, những người nữ tinh vi, những người nữ có tài, những người nữ bị ly dị… nhưng thật hiếm khi chúng ta nghe tiếng tăm về một người nữ tin kính, hay một người nam tin kính. Tôi tin rằng gia đình là nơi những người nữ càng đến gần hơn với việc hoàn thành chức năng mà Đức Chúa Trời ban cho họ hơn bất cứ nơi nào khác.
Phao Lô đã khuyên Tít dạy dỗ những người đàn bà trẻ tuổi “phải biết yêu chồng con mình, có nết na, trinh chánh, trông nom việc nhà; lại biết ở lành, vâng phục chồng mình, hầu cho đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê bai nào.” (Tit 3:4-5)
Chúng ta cũng chia sẻ trách nhiệm với chồng trong việc thực hiện những quyết định. Thật ra ảnh hưởng của chúng ta rất lớn đến nỗi có thể khiến anh thay đổi suy nghĩ của mình. Chúng ta đã từng nghe câu thành ngữ, nếu chồng là đầu thì vợ là cổ. Và cô có thể quay anh theo bất cứ hướng nào mà cô muốn. Thật ra chúng ta chẳng nên làm thế.
Ai trong chúng ta cũng nhận biết một cách mạnh mẽ rằng là người vợ Cơ Đốc chúng ta phải thật cẩn trọng trong việc sử dụng ảnh hưởng của mình trên chồng để anh ta phải thất bại trong việc làm trọn vai trò làm đầu mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh. Cô có thể đề nghị. Cô có thể giúp anh đo lường những điểm lợi và bất lợi. Cô có thể đưa ra những cái để chọn lựa. Nhưng cô nên trao quyền quyết định sau cùng cho chồng. Nếu anh ta phạm lỗi, hãy cho anh đặc ân ấy. Hãy chia sẻ lỗi lầm ấy với anh và đừng vì cớ gì mà đỗ lỗi cho anh. Nếu cô ta đỗ lỗi cho chồng (như cô vẫn bị cám dỗ để làm vậy) cô đã thất bại trong việc bù đắp vào khoảng trống của chồng. Thậm chí cô còn phạm lỗi vì đã tạo ra một khoảng cách giữa đôi bên. Lời Chúa trong Ch 31:12 nói rằng: “Trọn đời nàng làm cho chồng được ích lợi, chứ chẳng hề làm tổn hại.”
Nếu chồng là người lao động chính của gia đình thì trách nhiệm của vợ là sử dụng đồng tiền khó nhọc cách khôn ngoan để chia sẻ với chồng. Một số bà vợ có khuynh hướng sống rất phung phí. Chúng ta muốn mình trở nên xinh xắn và bắt mắt, thế là cứ làm mọi cách để đạt cho được. Chúng ta ao ước nhiều điều cho gia đình mình và muốn sống cách sung sướng. Đây là những ước muốn hợp lý nhưng chúng ta cần nhạy bén đủ để đặt những điều quan trọng nhất lên hàng đầu. Chúng tôi có biết một ông chồng nọ cứ mãi thay đổi công việc của mình. Ông luôn luôn tưởng tượng đến việc kiếm tiền vặt. Vì vợ ông, một Cơ Đốc Nhân, là người “bạn đời đắt giá” mà ông đang giữ trong nhà. Cô ta đòi hỏi nhiều thứ xinh xắn mà ông không thể cung phụng. Những người làm vợ nên nhớ rằng, chúng ta có thể mua được những vẻ đẹp đầy màu sắc, nhưng vẻ đẹp thật là vẻ đẹp bề trong và vẻ đẹp ấy cần phải được tăng trưởng. Thánh Kinh nhấn mạnh rằng: “Nhưng hãy tìm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời.” (IPhi 3:4)
Cũng thật thú vị khi chúng ta thấy người vợ được mô tả trong Châm Ngôn 31 là người thật bận rộn với những công việc thực tế. Cô ta đã chia sẻ gánh nặng kinh tế của gia đình qua những công việc này. “Nàng lo tìm lông chiên và gai sợi, lạc ý lấy tay mình mà làm công việc…nàng tưởng đến một đồng ruộng bèn mua nó được; nhờ hoa lợi của hai tay mình, nàng trồng một vườn nho. Nàng thắt lưng bằng sức lực, và làm hai cánh tay mình ra mạnh mẽ. Nàng cảm thấy công việc mình được ích lợi; ban đêm đèn nàng chẳng tắt…Nàng chế áo và bán, cũng giao đai lưng cho con buôn.” Kinh Thánh gọi nàng là NGƯỜI NỮ TÀI ĐỨC
Người vợ được bình đẳng với chồng trong việc chia sẻ trách nhiệm kỷ luật và huấn luyện con cái. Peter Marshall rất thích gọi các bà vợ một cách sinh động là “những người gìn giữ mùa xuân.” Từ khi con cái còn bé bỏng được ôm ấp trong tay, ngồi trên lòng, chúng ta nên bắt đầu dạy dỗ chúng về Đức Chúa Trời, về chân lý, việc tôn trọng người khác, yêu thương và những đức tính khác nhau của CDN. “Hãy dạy trẻ thơ con đường nó phải đi, hầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó.” Ch 22:6. Billy Graham nói rằng: “Trừ khi bạn đã có trong tay đứa con khá tốt đẹp vào cỡ năm hoặc sáu tuổi, còn không thì dường như đã quá trễ. Kinh Thánh nói rằng, ‘chỗ này một chút, chỗ kia một chút…giềng mối thêm giềng mối.’ Bạn không thể đợi đến khi con được 12, 13 tuổi rồi mới đột nhiên tọng một mớ tôn giáo vào cổ họng chúng. Như vậy chẳng ích lợi gì đâu. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng đã được bạn bắt đầu dạy dỗ cứ mỗi lần một ít.
Chúng ta cũng biết đôi khi các bà mẹ có tấm lòng rất mềm yếu. Chúng ta không đánh con được. Và lại đau đớn mỗi khi thấy chúng bị cha đánh. Nhưng kinh nghiệm cho biết rằng cây roi là vật rất cần thiết. “Sự ngu dại vốn buộc vào lòng con trẻ song roi răn phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó.” 22:15. Đừng thả lỏng con cái nhưng hãy kỷ luật chúng, việc kỷ luật không làm tổn hại đến chúng đâu. Bạn cứ lấy roi đánh vào mông, chúng chẳng chết đâu! Sự sửa phạt sẽ cứu chúng khỏi địa ngục.
Cuối cùng, chúng ta hãy cố gắng chia sẻ những sở thích của anh ta. Dầu cho đó có là cổ phần, việc chăn nuôi gà vịt hay điện đóm. Một Mục sư kia than thở, “Làm sao tôi có thể chia sẻ những khám phá kỳ diệu về thần học trong khi vợ tôi thậm chí còn không muốn nghe chứ đừng nói chi đến việc tìm xem những khám phá đó là gì!”
Người làm vợ phải luôn ghi nhớ một nguyên tắc chung: bất cứ điều gì làm cho một người ham thích, người ấy sẽ bị thu hút vào đó và dành thì giờ, sức lực mà cứ suy nghĩ về nó. Người ấy muốn được nói thật nhiều về vấn đề đó. Nếu một bà vợ lơ là trước những sở thích của chồng, cô ta đang trong nguy cơ trầm trọng bị mất anh ta. Sự thông công của họ sẽ bị giới hạn. Họ không còn muốn chia sẻ với nhau về một vài vấn đề nữa. Một số niềm vui khi cùng có nhau trong công việc sẽ bị mất đi. Không gì có thể so sánh được với sự gặp gỡ chân thật của hai tâm trí trong tình yêu hôn nhân.
Không những vợ là người hỗ trợ cho chồng trong lãnh vực chia sẻ những sở thích, nhưng cô còn dùng sự hiểu biết và tình yêu thương đáp ứng với chính con người của anh ta nữa. Có nghĩa là cô phải nhạy bén trước nhu cầu của anh và rất cảm thông trước những nỗi yếu đuối của anh. Khi anh ta có nhu cầu về tình dục để khẳng định tình yêu thương, cô sẵn lòng cho anh chính thân thể mình cách vui vẻ. Nếu anh ta bị nản lòng, cô nói lời an ủi và có những cử chỉ khẳng định tình yêu cô dành cho anh. Cô thấu hiểu những nỗi đau và xúc cảm của anh. Cô chấp nhận sự bất toàn của anh như cô đã chấp nhận con người của anh cách đây nhiều năm.
Làm điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng đâu. Vì bẩm sinh người vợ không phải là một thiên thần. Cô cũng có những nỗi phiền muộn riêng và những tâm tánh xấu xa. Cô cũng muốn được yêu và được cảm thông như bất cứ con người nào. Chính cô cũng cần sự hỗ trợ của chồng. Chồng và vợ phải cùng nhau cầu nguyện thế nào để bởi ân điển, ý chỉ của Chúa phải được trọn vẹn trên đời sống của họ.
Cuối cùng, chồng mong đợi vợ hết lòng cộng tác với anh trong việc thực hiện kế hoạch của Đức Chúa Trời. Trong hôn nhân Cơ Đốc, kế hoạch của Đức Chúa Trời là hình ảnh của Đấng Christ được bày tỏ qua đời sống của hai người. Ý chỉ của Ngài là qua tình yêu của chồng đối với vợ và sự vâng phục của vợ đối với chồng, người ta sẽ nhận biết Đấng Christ yêu Hội Thánh, là cô dâu mà Ngài đã mua chuộc bằng chính huyết Ngài biết bao.
Những cặp vợ chồng Cơ Đốc cần có sự nhận biết Đấng Christ mỗi ngày để hôn nhân của họ được trọn vẹn và hạnh phúc. Chúng ta dễ có khuynh hướng quên Đức Chúa Trời trong nỗi bận rộn kiếm sống hằng ngày. Có lẽ chúng ta cũng có giờ đọc Kinh Thánh và buổi nhóm gia đình gia đình lễ bái. Nhưng những thì giờ đó chỉ tô điểm cho sự khô khan vô vị của tâm linh chúng ta, chỉ là những nghi thức Cơ Đốc vô nghĩa mà thôi. Một lần kia, tôi nằm trong căn phòng giữa đêm đen không ngủ được và ôn lại những ngày vừa qua. Những điều không hay giữa nhà tôi và tôi. Chúng tôi cứ thường xuyên cãi nhau về những vấn đề mà ngày xưa chúng tôi cho là chuyện không đáng. Nhà tôi là người hay phê phán. Tôi bị tổn thương và ném trả lại bằng những lời phê bình nham hiểm.
Tôi tự hỏi, “Tại sao điều này lại xảy đến với chúng tôi?” Những ngày qua đầy sự xa cách, lạnh nhạt, thờ ơ. Tôi đã làm gì sai? Có bổn phận nào mà tôi không chu toàn với anh ta? Tôi nhìn vào chính mình, và đã tìm thấy câu giải đáp.
Tôi đã mất đi sự gần gũi với Chúa. Gần gũi Ngài là kết quả của mối quan hệ hạnh phúc giữa hai chúng tôi. Mấy ngày qua tôi không nhắc tên anh khi đến với Chúa. Thật ra lời cầu nguyện dường như khô cứng trên miệng tôi và lời Ngài không còn phán bảo với tôi nữa. Vì tôi quá bận rộn.
Tôi nhận thức được tình trạng của mình và biết phải làm lại từ đầu. Nhưng đây không phải là lần cuối tôi vi phạm lỗi lầm này.
Nhà tôi và tôi sẽ còn phải làm mới lại mối thông công và sự cảm thông nhau nhiều và nhiều lần nữa. Nhưng điểm bắt đầu phải luôn luôn với Đức Chúa Trời. Hãy có mối quan hệ phải lẽ với Ngài. Vì chúng ta là những người hay quên biết bao.