Hôn nhân

Vai Trò Người Chồng Trong Gia Đình

Người nam đã lập gia đình thừa nhận một vai trò hai mặt. Anh ta trở thành CHỒNG của vợ mình và do đó trở thành CHA của các con mình. 

Chồng và cha không phải chỉ là những từ ngữ về tình cảm. Kinh Thánh đặt trên mỗi vị trí này những trách nhiệm và những bổn phận rất nghiêm trọng mà không một tín hữu nào có thể lẫn tránh hoặc xem nhẹ. 

CHỒNG LÀ GÌ VÀ CHA LÀ NHƯ THẾ NÀO? 

Có lẽ chúng ta ngạc nhiên khi thấy trong Kinh Thánh Đức Chúa Trời đã tự lập chính Ngài là một Khuôn Mẫu Chuẩn cho mỗi bậc làm CHỒNG và làm CHA. “Vì chồng ngươi là Đấng đã tạo thành ngươi”, tiên tri Êsai nói lên điều này khi ông cố gắng nhấn mạnh đến tình yêu, sự chăm sóc và bảo vệ của Đức Chúa Trời đối với dân tộc Ysơraên lầm lỗi. “Đức Giêhôva đã gọi ngươi, như gọi vợ đã bị bỏ và phiền rầu trong lòng, như vợ cưới lúc còn trẻ và đã bị để, Đức Chúa Trời ngươi phán vậy. Ta đã bỏ ngươi trong một lát; nhưng ta sẽ lấy lòng thương xót cả thể mà thâu ngươi lại.” 

Trong bức tranh biểu tượng của Đức Chúa Trời với tư cách như người CHỒNG này, SỰ TẬN HIẾN và LÒNG THƯƠNG XÓT của Ngài đối với dân Ysơraên trở thành phẩm chất nổi bật hơn cả. Về mặt lịch sử, chúng ta thấy rằng khi dân Ysơraên không vâng phục Đức Chúa Trời, Ngài đã tạo cơ hội để họ được trở về, tha thứ và tiếp nhận họ trong tình yêu thương. Khi dân Ysơraên phải chịu khổ và ở trong sự buồn thảm sâu xa, Đức Chúa Trời giang rộng vòng tay và an ủi họ. Rồi khi dân Ysơraên yếu đuối và vô vọng, Đức Giêhôva là Ngọn Tháp sức lực và nơi ẩn náu. 

Hẳn nhiên, một người chồng mang bản chất hay chết không thể hoàn hảo trong cách cư xử với vợ. Nhưng người chồng nào lấy Chúa làm mẫu mực cho đời sống mình, bởi ân điển Chúa có thể trở nên rất giống với thái độ và tâm tánh của Ngài. Người làm chồng nên nhớ rằng vợ mình cũng phải trãi qua mọi nỗi đau khổ của nhân loại như những người khác vậy. Cô ta cũng phạm lỗi, cũng nản lòng, và có những khuyết điểm riêng. Đôi khi, cô thật sự không hiểu được chồng muốn điều gì nơi cô và công việc của cô là gì. Cô ta cần được cảm thông và quan tâm. Giả sử cả hai đều thương yêu nhau thì người chồng phải bày tỏ tình yêu ấy trong cách cư xử tử tế và đầy lòng quan tâm đến vợ mình trong đời thường của cuộc sống mỗi ngày. Phierơ nhắc nhở chúng ta qua lời Thánh Kinh: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em.” (IPhi 3:7) 

Người chồng yêu vợ mình bày tỏ điều ấy rất thực bằng cách CUNG CẤP nhu cầu vật chất cho vợ. Trong Thánh Kinh sách Êphêsô đoạn 5, lời Chúa nói rằng người chồng phải nuôi dưỡng, chìu chuộng vợ như chính thân thể mình vậy. Trong tiếng Hi lạp, chữ “nuôi dưỡng” chỉ về thức ăn và những sự chăm sóc bên trong, trong khi chữ “chìu chuộng” nói đến quần áo và sự chăm sóc bên ngoài. Nói cách khác, để chứng minh thực tiễn tình yêu của chồng đối với vợ, người chồng nên làm tất cả những gì trong khả năng của mình để nuôi vợ và cung cấp cho vợ nơi ở, quần áo và tình yêu thương. Anh ta làm cho vợ hạnh phúc và đem cô ra khỏi tình trạng thiếu thốn, ưu phiền và đau đớn. 

Nếu tình yêu là như thế, không người nam nào có tâm trí bình thường lại lập gia đình khi chẳng hề nghĩ gì đến việc cấp dưỡng cho vợ và gia đình của mình. Một người muốn trở thành một ông chồng xứng đáng phải có năng lực và tâm trí để làm việc. Điều đáng buồn là có vài người chồng không bao giờ yêu vợ và con mình theo ý nghĩa thật nhất của chữ yêu thương. Họ vẫn còn trông vào cha mẹ để nhận sự cấp dưỡng cho một gia đình đang nẩy nở của họ. Chắc chắn vợ họ sẽ phải xấu hổ biết bao. Và điều đó cũng xúc phạm đến Đức Chúa Trời vô cùng. Trong ITi 5:8 chúng ta đọc thấy lời cảnh cáo này: “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhứt là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa.” 

Tình yêu không chỉ được thỏa mãn với sự CHU CẤP mà thôi. Tình yêu cũng được phát triển mạnh mẽ qua sự CHIA SẺ nữa. Chia sẻ chính con người của mình với vợ, bao gồm cả phương diện THUỘC THỂ, Ý CHÍ VÀ TÂM LINH là điều quan trọng hơn nhiều so với sự chu cấp về vật chất và tài chánh mà anh dành cho vợ. Cô vợ Cơ Đốc nào cũng rất vui thích khi biết được cách trở thành một người hỗ trợ tốt hơn cho chồng mình. Nhưng làm sao cô ta biết được khi anh không sống cởi mở và bày tỏ hết con người của anh? 

Nơi đâu có tình yêu thương thì quyền lãnh đạo mang một chất lượng sâu hơn và cao hơn. Về vị trí, CHỒNG LÀ ĐẦU VỢ. Đó là lý do vì sao Phao Lô khuyên người vợ phải PHỤC QUYỀN lãnh đạo của chồng. (Eph 5:22-23). Thảo luận về phẩm chất của quyền lãnh đạo tại điểm này là điều rất quan trọng vì về mặt văn hóa, chúng ta là những người có cơ cấu gia đình mang bản chất uy quyền rồi. Chúng ta thường hay nghĩ rằng sự lãnh đạo là một loại quyền hành không bị giới hạn và không được chống cự lại. Trong gia đình, người cha có khuynh hướng duy trì một thái độ chuyên quyền, nghĩa là cai trị gia đình mình với bàn tay sắt và lời ông nói ra luôn luôn là luật lệ. Hậu quả là gia đình xa lánh ông và không nhận được sự giúp đỡ gì từ nơi ông. Chúng ta thường cho rằng chỉ người lớn, đặc biệt là những ông cha mới có quyền thực hiện những quyết định quan trọng, và không cho con cái có cơ hội để tự quyết định vấn đề nào của chúng. Trong những ngày còn thơ, con cái đã được dạy dỗ là phải vâng lời mà không được quyền thắc mắc chút gì về những lời răn dạy của cha mẹ, nhất là của ông cha. 

Tuy nhiên, quan điểm của Phao Lô về quyền lãnh đạo được trao phó cho người chồng là một loại hoàn toàn khác hẳn. Ông nói rằng: “Vì người chồng phải CHỊU TRÁCH NHIỆM về vợ mình thể nào thì Đấng Christ chịu trách nhiệm với thân thể Ngài là Hội Thánh cũng thể ấy. (Ngài đã phó chính mạng sống mình để bảo vệ Hội Thánh và trở nên Cứu Chúa của Hội Thánh). Một lần nữa, tại đây chúng ta thấy Đức Chúa Trời trong thân vị của Đấng Christ được mang lấy hình ảnh biểu tượng như một người chồng về quyền lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Ngài được nêu bật lên qua sự hi sinh. Ngài đã hi sinh mọi sự thuộc về Ngài để trở nên Đầu của Hội Thánh. Cũng vậy, người chồng không dùng thái độ bạo ngược mà cai quản vợ và các con mình nhưng bằng những hành động yêu thương đầy hi sinh và quan tâm. Vì thật ra, làm thế nào người vợ có thể hết lòng thuận phục một ông chồng không đáng tin cậy và vô trách nhiệm? Hoặc làm thế nào con cái vâng lời và kính trọng ông cha có lời nói không đi đôi với việc làm. Trong bất cứ lãnh vực nào, quyền lãnh đạo thật được thành công bởi sự tận tâm chứ chẳng phải bạo lực. 

Đưa ra TẦM NHÌN (KHẢI TƯỢNG), biết trù tính và khích lệ người khác là một số phẩm chất của một lãnh đạo giỏi. Người nam nào khẳng định rằng mình yêu vợ và các con phải là người sống có mục đích. Người ấy biết mình đang dẫn gia đình đi đâu. Anh ta có những mục tiêu rõ ràng trong đời sống. Nhiều gia đình bước đi loạng choạng và cuối cùng bị tan rã vì trong gia đình thiếu một người nam có khả năng nắm quyền lãnh đạo với sự tự tin và có khải tượng. Một người chồng lười biếng và chẳng có mục đích chắc chắn sẽ đem những cái lung tung, hỗn loạn vào gia đình của anh. Bằng chứng này được nhìn thấy khi anh tỏ ra không thể nào ở một chỗ và nhận lãnh một công việc trong một giai đoạn hợp lý nào đó. Gia đình nào cứ mãi thay đổi quan điểm từ việc này đến việc nọ và từ năm nọ sang năm kia là gia đình không biết mình muốn gì. Với tư cách là một nhà lãnh đạo, người chồng cần suy nghĩ kỹ trong từng trường hợp. 

BIẾT TRÙ TÍNH là một phần của người lãnh đạo giỏi. Trong gia đình, chồng nên là người tích cực trong việc trù tính những phúc lợi của gia đình mình. Điều này rất quan trọng vì một gia đình không có kế hoạch, cứ chạy theo đường nào mình muốn hoặc muốn có bao nhiêu con cũng được là một gia đình lộn xộn và không biết tự lo liệu. Với sự giúp đỡ của vợ, người chồng phải cầu nguyện và cân nhắc đến những vấn đề như nhà cửa, công ăn việc làm, bao nhiêu con, giáo dục con, tham gia vào Hội Thánh nào, việc kỹ luật và nhiều vấn đề khác nữa. Thái độ cẩu thả không phù hợp với sự nhấn mạnh của Đức Chúa Trời về trách nhiệm của con người. Trông đợi nơi Đức Chúa Trời không có nghĩa là ù lì hoặc không rục rịch. Lập kế hoạch trong thái độ khiêm nhường và đầy đức tin không có nghĩa là chống lại ý Chúa. 

Mặt khác, có khả năng trù tính là một vấn đề mà có khả năng thực hiện QUYẾT ĐỊNH ẤY MỘT CÁCH DỨT KHOÁT lại là vấn đề khác. Nhiều ông chồng có đầy dẫy những kế hoạch nhưng thiếu hành động. Trái lại có những người rất thích thực hiện nhưng lại không có những phương hướng hoặc kế hoạch rõ ràng. Cả hai loại người này đều không thực hiện trọng trách như một người lãnh đạo giỏi hoặc người chồng khôn ngoan. Hầu hết những người làm vợ đều muốn thấy chồng mình tích cực trong việc lãnh đạo đời sống gia đình như việc lập kế hoạch, việc kỹ luật, sự tăng trưởng tâm linh và mưu cầu kinh tế. Nói cách khác, chồng là người yêu thương và lãnh đạo gia đình thì phải có trách nhiệm theo ý nghĩa trọn vẹn nhất của từ ngữ ấy

THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI CHA? Từ ngữ người cha cần được định nghĩa lại, vì chúng ta thường hay liên tưởng đến từ ngữ này một cách giới hạn qua những kinh nghiệm với người cha trên đất này. Có lẽ vài người trong chúng ta nghĩ đến “cha” như một hình ảnh mù mờ vì chúng ta lớn lên mà không hề liên hệ đến cha. Những người khác liên tưởng từ ngữ ấy với một người lúc nào cũng la mắng ra lệnh cho từng người trong nhà. Đối với vài người, ông cha là một nhân vật xa lạ mà khi có cha hiện diện họ không dám chuyển động hoặc lên tiếng. Vẫn có những người suy nghĩ đến cha như một người bận rộn, quá sốt sắng để tận hiến những gì người ấy có được cho sinh kế gia đình đến nỗi không có thì giờ chìu nựng con. Vẫn có nhiều người trong chúng ta, chữ “cha” dấy lên những ký ức thỏa lòng, những giờ hạnh phúc và chúng ta nghĩ cha mình là những nhân vật “vĩ đại.” 
Tuy nhiên, người Cha Mẫu Mực của chúng ta là ĐỨC CHÚA TRỜI. Chính Ngài nói rằng Ngài là Cha của chúng ta. Chúa Jêsus dạy các môn đồ cầu nguyện với ĐỨC CHÚA TRỜIvà gọi Ngài là “Cha của chúng con.” Vì thế những người cha Cơ Đốc cần phải suy xét đến loại người Cha như chính ĐỨC CHÚA TRỜIđã bày tỏ và tập tành đời sống mình theo Ngài. Chúng ta đọc được trong Gie 31:9 “Chúng nó khóc lóc mà đến, và Ta sẽ dẫn dắt trong khi chúng nó nài xin Ta; Ta sẽ đưa chúng nó đi dọc các bờ sông, theo đường bằng thẳng, chẳng bị vấp ngã. Vì Ta làm cha Ysơraên, còn Épraim là con đầu lòng Ta.” 

Cha có nghĩa là người mà con cái có thể chạy đến nương dựa những khi gặp cảnh khốn cùng, buồn thảm và đau khổ. Cha phải là người lau nước mắt cho con, làm vơi nỗi buồn thảm và làm dịu cơn đau của con. Các con trai và con gái của ông có thể giải bày tâm sự cách cởi mở và biết chắc cha chúng là người sẵn lòng lắng nghe, hiểu và giúp đỡ chúng. Chắc chắn người cha phải là người đầy cảm thông, nồng hậu và dễ gần gũi. 
Rủi thay, không có mấy người cha được như thế ngay cả những người cha Cơ Đốc. Hầu hết các ông cha đều ráng đóng vai của một “nhân vật siêu nhiên.” Họ làm như mình là người rất tốt lành chẳng hề có lỗi lầm nào, can đảm vô cùng chẳng hề sợ một thứ gì và hết sức mạnh mẽ đến nỗi không chịu đựng được một khuyết điểm nào. Một đứa trẻ đã có ấn tượng như thế về cha mình sẽ không hề dám đến gần ông khi nó cần sự giúp đỡ. Nó sẽ nghĩ rằng cha mình không thể nào cảm thông nỗi. Ông sẽ không thể nào hiểu nỗi. ĐỨC CHÚA TRỜIlà Cha chúng ta thì chẳng phải như vậy. Ngài rất cởi mở và sẵn lòng an ủi. Khi chúng ta đến cùng Ngài với nước mắt đau đớn hoặc sầu thảm, Ngài sẽ ôm chúng ta vào lòng với sự cảm thông. Rồi Ngài để chúng ta ra đi với những giọt nước mắt vui mừng vì đã được rịt lành và an ủi.

Người cha có nghĩa là người dẫn đường, tức là phải làm gương và đưa lối bằng cách tỏ ra mình biết rất rõ mình chỉ là một người bất toàn. Trong một ẩn dụ của Giêrêmi, chúng ta nghe ĐỨC CHÚA TRỜIcông bố: “Ta sẽ trông nom và dẫn chúng về nhà. Chúng sẽ bước đi bên dòng suối bình tịnh và không hề vấp ngã.” Còn đứa con nào cần được dẫn về nhà nếu không phải là những đứa con đầy lỗi lầm, ương ngạnh và hư mất. Một số gia đình Cơ Đốc đang mang những vết thương vì có những đứa con trai cứng đầu và nổi loạn, phạm tội ác hoặc những đứa con gái nghiện thuốc phiện. Hầu hết những người cha này làm gì? Họ giận dữ và mắng chửi. Họ chỉ có thể nghĩ đến danh thể tốt đẹp hoặc chỗ đứng của họ trước xã hội mà thôi. Bậc làm cha cần ý thức rằng một phần trong trách nhiệm làm cha là dẫn dắt những người con hoang đàng ấy về nhà, nghĩa là trông mong con trở về và chào đón con. Trách nhiệm của người cha là phải phục hồi con về với sự ấm áp và tình thông công của gia đình, phục hồi niềm tự tin vào chính mình và nơi sự nhơn lành của ĐỨC CHÚA TRỜI, để lại vui sống sau những ngày lầm lạc. 

Một người cha cũng có nghĩa là một nơi ẩn náu. Trong cơn thống khổ Đavít đã kêu la cùng ĐỨC CHÚA TRỜI: “Hỡi ĐỨC CHÚA TRỜI, xin hãy nghe tiếng kêu của tôi, lẳng nghe lời cầu nguyện tôi. Khi tôi cực lòng, tôi sẽ kêu cầu cùng Chúa từ nơi cực địa; xin hãy dẫn tôi lên hòn đá cao hơn tôi. Vì Chúa là nơi nương náu cho tôi. Một tháp vững bền để tránh khỏi kẻ thù nghịch. Tôi sẽ ở trong trại Chúa mãi mãi, nương náu mình dưới cánh của Chúa.” 

Theo Edith Schaeffer trong phần “Một Sứ Điệp Dành Cho Những Kẻ Làm Cha” của tờ Cơ Đốc Giáo Ngày Nay thì trong “nơi ẩn náu” chúng ta được tránh khỏi “gió, mưa, băng tuyết, lạnh, nóng, đất cát, muỗi mòng hay những đội quân của loài người.” Một người cha được xem như một tháp che vững chắc. Chính từ ngữ “cha” phải gợi lên trong chúng ta một cảm giác an ninh. Nơi nương náu của ĐỨC CHÚA TRỜIđẩy lùi những cơn nguy hiểm nhưng đồng thời cũng đưa chúng ta đến những thực tại đầy trọn. Ít nhất, một gia đình vây quanh bên bếp lửa chia xẻ với nhau những suy nghĩ và kinh nghiệm trong bầu không khí ấm áp và quan tâm là nơi phản ảnh được sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Ngài luôn sẵn sàng lắng nghe và khuyên nhủ, và ‘trong nơi Ngài hiện diện có đầy dẫy sự vui mừng’” 
Mạnh mẽ là một đặc tánh nữa của Đức Chúa Trời với tư cách là Cha. Tác giả Thi Thiên công bố trong Thi 46:1 rằng: “ĐỨC CHÚA TRỜIlà nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân.” Có lẽ những người cha trên đất này không có loại sức lực của ĐỨC CHÚA TRỜInhưng bao lâu còn sống thì họ phải hết sức mình đem lại sức lực về thuộc thể, đạo đức và tâm linh cho các con. Trẻ con rất vui thích với một người cha khỏe mạnh vì chúng có thể đu lên tay cha hoặc bắt cha cõng trên lưng. Nhưng điều cần thiết nhất là những người cha mạnh mẽ về mặt đạo đức và là người nắm lấy những sự tin chắc mà ĐỨC CHÚA TRỜIđã ban cho. Loại người cha Cơ Đốc mạnh mẽ này cần được phát huy và lưu truyền lại cho con cháu, vì đó là một di sản sẽ bảo đảm cho sự làm chứng về Chúa Jêsus cách liên tục từ đời này sang đời kia giữa xã hội trần tục này. 

Hỡi người làm chồng và làm cha, ĐỨC CHÚA TRỜIđã nêu lên một Khuôn Mẫu Hoàn Hảo cho những người nam Cơ Đốc đã lập gia đình. Nguyện chúng ta cố gắng noi theo hình ảnh của Ngài!

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *