10 Cách Mà Người Vợ Thể Hiện Sự Thiếu Tôn Trọng Chồng (Thậm Chí Cô Ấy Không Nhận Ra Điều Này)
Tôi đã từng chia sẻ trước đây rằng niềm khao khát được yêu thương của phụ nữ cũng giống như mong muốn nhận được sự tôn trọng của người đàn ông. Sự tôn trọng nói lên rất nhiều điều đối với đàn ông và thường khiến họ cảm thấy xứng đáng với tình cảm của vợ mình.
Như bạn có thể hình dung, khi tôi nói về vấn đề này với chồng tôi, chúng tôi thực sự đã có những cuộc trò chuyện nghiêm túc cùng nhau và tôi rất vui vì cuộc trò chuyện đã mang đến những kết quả tuyệt vời! Đôi khi, chúng ta có thể mù quáng trước những khuyết điểm của mình đến nỗi chúng ta lại dành thời gian để muốn người bạn đời chia sẻ về khuyết điểm của họ một cách dạn dĩ và yêu thương.
1. Thao túng cảm xúc
Bạn có bao giờ sử dụng tâm trạng của mình để kiểm soát phản ứng của chồng không ?
Ví dụ: Bạn đã bao giờ trả lời cộc lốc rằng “Không. Em ổn. Em không quan tâm”, trong khi điều đó thực sự không ổn và bạn vẫn quan tâm? Việc trốn tránh vấn đề, sử dụng các từ ngữ như luôn luôn hay không bao giờ, gây sự, “giận cá chém thớt”, giữ im lặng, đưa ra những điều kiện vô lý, thất vọng quá mức, hay khóc lóc để mong nhận được sự cảm thương là những cách mà phụ nữ sử dụng để thao túng tình cảm vợ chồng.
Những người bạn yêu quý của tôi, tôi khích lệ các bạn sử dụng lời nói của chính mình. Hãy thành thật với sự thất vọng hay nỗi buồn của mình – không ai nói bạn phải quá kiềm chế – nhưng bạn biết không, có một ranh giới giữa những gì bạn nói để xây dựng cuộc hôn nhân của mình với những gì bạn nói để kiểm soát cuộc hôn nhân đó.
2. Trở nên như một người mẹ của chồng mình
Được rồi, các bạn, tôi có thể trở thành một người mẹ như vậy – bạn có thể định nghĩa từ “mẹ” theo các cách khác nhau . Nhưng Chúa ơi, điều đó đang hủy hoại mọi thứ đấy, và đặc biệt là đối với cuộc hôn nhân của tôi. Chúng tôi đã rơi vào nhiều tình huống mà tôi đã phải đấu tranh với bản thân rất nhiều, tôi đã phải cố gắng lựa chọn những lời nói hay đưa ra những hành động một cách khôn ngoan nhất, nhưng tất nhiên không phải lúc nào tôi cũng có thể. Và tôi tin rằng trong nhiều cuộc hôn nhân, người vợ đã cư xử giống như người mẹ thứ hai của chồng mình vậy. Tuy nhiên, vì cô ấy nghĩ rằng đó là điều ‘tốt nhất’, nên cô ấy lảng tránh vấn đề này và khiến người chồng dần mất đi tất cả sự độc lập và niềm vui.
Nếu bạn thường xuyên nói với chồng mình rằng điều gì là tốt nhất cho anh ấy hoặc tự bạn xác định niềm tin của anh ấy, thì có khả năng bạn đang đóng vai trò là một người “mẹ” chứ không phải là “vợ”. Điều này khiến một người đàn ông cảm thấy ngày càng nhỏ bé hơn trong vai trò là người bảo vệ vợ mình.
3. Gây sự
Sử dụng sự gây hấn như một phương tiện để chiến đấu hoặc theo một cách nào đó để không cho phép người chồng chiến thắng. Nếu anh ấy đáp lại bằng sự nhu mì hoặc im lặng, chúng ta sẽ khiến họ trở thành một kẻ hèn nhát. Nếu anh ấy đáp lại bằng sự tức giận, chúng ta lại khiến họ trở thành kẻ bắt nạt. Nếu bạn cảm nhận sự gây hấn có xu hướng trở thành mục tiêu của bạn trong cuộc tranh cãi và bạn muốn có không gian riêng, thì hãy cứ dành thời gian ở một mình trước khi cả hai quay trở lại. “Hỡi anh chị em thân mến, hãy ghi nhớ điều này: Mọi người hãy mau nghe, chậm nói và chậm giận, vì cơn giận của con người không tạo ra được sự công bình mà Đức Chúa Trời mong muốn”. (Gia-cơ 1: 19-20).
4. Khiến người chồng cảm thấy ngột ngạt (quan tâm sai cách)
Jesse và tôi có đặt ra một chính sách “open phone”. Hai bên sẽ tha thứ cho nhau khi câu chuyện liên quan đến nói ra những sự thật đau lòng hay phải trả lời những câu hỏi khó.
Tuy nhiên, đến một mức độ thì ‘sự mở lòng’ sẽ trở thành ‘nỗi ám ảnh’ và ‘sự hỏi han, quan tâm’ sẽ trở thành ‘sự kiểm soát’. Tôi đã luôn nói rằng nếu một trong hai bên vợ hoặc chồng muốn đi ra ngoài và có những việc riêng, thì không ai có quyền ngăn cản.
Nhưng quan trọng hơn, bạn nên đấu tranh cho cuộc hôn nhân của mình. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tin tưởng người chồng của mình, thì đừng bóp nghẹt chồng bạn bằng những câu hỏi tò mò, tọc mạch khiến anh ấy cảm thấy như thể đã làm sai điều gì, chỉ vì bạn nghĩ rằng anh ấy đã làm như vậy.
Điều đầu tiên – hãy cầu nguyện cho tấm lòng của anh và giao phó anh ấy cho Chúa. Thứ hai, chia sẻ vấn đề của bạn với một cặp vợ chồng hoặc người cố vấn – những người sẵn sàng giữ cả hai bạn trong việc có trách nhiệm, cùng với đó giúp bạn vượt qua các vấn đề về lòng tin.
5. Nói lời phê bình, chỉ trích
Nếu bạn dành phần lớn thời gian để chỉ trích những điều mà vợ / chồng bạn đã làm sai thay vì khen ngợi những điều họ đã làm đúng, thì rất có thể họ sẽ cảm thấy như thể họ không bao giờ đủ tốt với bạn. Lời nói của bạn có sức mạnh, có thể phá hủy, và cũng có thể xây dựng. Hãy thử thách bản thân mỗi ngày, với một lời phê bình mà bạn đưa ra, thì hãy nói với chồng bạn mười điều tích cực về anh ấy.
6. Làm suy yếu giá trị của người chồng (Làm xấu chồng trước mặt con cái)
Đây là một vấn đề lớn trong rất nhiều cuộc hôn nhân. Bạn làm xấu chồng mình, đặc biệt là với tư cách là một người cha. Bạn dạy con cái rằng anh ấy không có đủ năng lực và không nên được tôn trọng. Việc gạt bỏ các quyết định của anh ấy trước mặt con bạn không chỉ dạy chúng không tôn trọng cha mình mà còn mang đến sự bất hòa và xung đột hơn là mang lại bình yên và hòa hợp trong gia đình.
Chúng ta đang là một phe
và bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang làm ‘điều đúng đắn’ bằng cách đánh giá thấp lời nói hoặc quan điểm của chồng mình, chúng ta sẽ dần khiến cho anh ấy từ bỏ và giao hoàn toàn nhiệm vụ nuôi dạy con cái cho chúng ta.
7. Ham muốn và Tán tỉnh
Điều này rất dễ hiểu, nhưng một người phụ nữ tán tỉnh những người đàn ông khác dù lén lút hay công khai thì có khả năng khiến cho người bạn đời ngay lập tức cảm thấy ‘thấp kém’, xấu hổ và ngượng ngùng. Khi chúng ta kết hôn với vợ hay chồng của mình, họ trở thành ‘kiểu mẫu’ duy nhất của chúng ta; bạn là của chồng bạn và anh ấy là của bạn. Khi nói về những người đàn ông khác hoặc ám chỉ sự hấp dẫn của họ là lúc chúng ta đang hạ thấp và thiếu tôn trọng chồng mình, điều đó tạo ra sự bất an trong lòng họ.
8. Lảng tránh các vấn đề
Trong các mối quan hệ, đặc biệt là hôn nhân, thay vì bạn chia sẻ hay bày tỏ những gì thực sự trong tâm trí của mình, bạn lại giữ những mối hận thù và ghim những lỗi lầm của đối phương, thì điều đó có thể sẽ dẫn đến sự cay đắng và oán hận cho cả hai bên. Nếu bạn tiếp tục để nỗi cay đắng trong lòng mình, thì khi tình huống bất đồng nảy sinh, bạn sẽ dễ đưa ra những tranh luận trong quá khứ, khiến chồng bạn cảm thấy như thể vấn đề không bao giờ được giải quyết, hay tình hình không thể tiến triển tốt hơn.
9. Lời châm chọc
Bạn có từng trêu chọc chồng mình chưa? Bạn đã từng làm điều gì đó khiến chồng mình tức giận, cáu kỉnh vì bạn muốn gây chú ý hay chỉ để kiểm tra phản ứng của anh ấy? Hoặc khi anh ấy vừa trở về nhà, bước vào cửa, bạn đã từng cằn nhằn anh ấy, vì không dành nhiều thời gian giúp bạn làm việc nhà chưa? (mặc dù anh ấy đã làm việc 40/60/80 giờ một tuần)
Lời châm chọc được định nghĩa là “một nhận xét được nói ra nhằm chọc giận, làm tổn thương hoặc khiêu khích ai đó.” Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta đang ‘châm chọc’ chồng mình, nhưng hãy thử nghĩ lại, xem xét những lời bạn đã nói trước đây, chúng dùng để xây dựng hay để phá đổ?
10. Ghen tị với các cuộc hôn nhân khác
Thái độ thỏa nguyện, bằng lòng là rất quan trọng. Khi chúng ta thể hiện sự bất mãn trong cuộc sống hôn nhân của mình, chồng chúng ta ngay lập tức cảm thấy cần phải “thay đổi, thay đổi, và thay đổi ” cho đến khi anh ấy cảm thấy không thể làm được gì nữa và anh ấy chỉ muốn từ bỏ. Chúng ta càng lãng phí thời gian và năng lượng để so sánh cuộc hôn nhân của mình (hay chồng mình) với cuộc hôn nhân của người khác, và nói anh ấy không nên làm điều gì hoặc cần phải trở thành ai, thì chúng ta đang càng bỏ lỡ những câu nói ngọt ngào và những món quà tuyệt vời ở người mà Chúa đã ban cho chúng ta.
Hôn nhân trong Chúa dịch
Nguồn : https://www.crosswalk.com/…/10-ways-a-wife-disrespects…