Hôn Nhân, Nơi Nơi Con Người Được Nên Thánh Cách Sâu Sắc
Mỗi ngày cơ đốc nhân phải trở nên thánh. Mới tin nhận Chúa, chúng ta dễ dàng thấy theo Chúa thật dễ. Nhưng càng sâu nhiệm trước mối quan hệ với Chúa, chúng ta sẽ thấy rằng theo Chúa thật khó. Bởi vì chỉ khi gần với Đức Chúa Trời thánh khiết thì con người mới sự hiểu sự ô uế, xấu xa, tội lỗi của bản thân. Càng nghiêm túc hạ mình nhìn nhận, soi mình vào lời Chúa thì chúng ta thấy mình tội lỗi, xấu xa như thế nào. Tiên tri Ê-sai khi nhìn thấy Chúa ông mới nhận ra mình ô uế tội lỗi ra làm sao. Vốn là tiên tri, môi miệng ông dùng để rao ra những sứ điệp cao trọng nhưng ông lại thấy môi miệng ông dơ dáy khi nhìn Chúa, vậy môi miệng chúng ta có “thánh khiết” hơn tiên tri của Chúa không? Chúng ta thấy mình ô uế, bất toàn, yếu đuối chỉ khi chúng ta thực sự gặp gỡ Chúa, còn không chúng ta vẫn cho rằng mình thánh khiết, tốt đẹp…
Có một lẽ thật rằng: vì Chúa là công bình nên chúng ta cũng phải sống đời sống công bình. Vì Chúa là thánh nên chúng ta cũng nên thánh. Vì Chúa là tình yêu nên chúng ta sẽ phải yêu thương giống Chúa.
Lời Chúa dạy rằng: ”Kẻ nào nói mình ở trong sự sáng, mà ghét anh em mình, thì còn ở trong sự tối-tăm. Ai yêu-mến anh em mình, thì ở trong sự sáng, nơi người đó chẳng có điều chi gây cho vấp-phạm. Nhưng ai ghét anh em mình, thì ở trong sự tối-tăm, làm những việc tối-tăm, và không biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm mù mắt người.“ I Giăng 2:9-11
Lời Chúa không bao giờ dễ dàng với xác thịt của con người. Nhưng con người không ở dưới sự kiểm soát hay ách thống trị của xác thịt và tội lỗi. Con người có quyền tự do nói không với những việc làm xác thịt. Mỗi ngày cần trở nên giống Chúa nhiều hơn, đặt biệt là qua hôn nhân. Hôn nhân sẽ giúp phơi bày những gì của xác thịt ra. Những sự yếu đuối bên trong, sự ích kỷ, cái tôi kiêu ngạo… đặc biệt là những điều mà nếu chỉ tiếp xúc xã hội bình thường không ai nhận ra được. Một con người bên ngoài ai ai cũng thấy tốt, nhưng những điểm chưa tốt đó có thể lộ ra trong những va chạm cuộc sống hôn nhân, khi hai người nên một.
Nếu chúng ta chỉ bày tỏ tình yêu với người yêu mình thì người xác thịt thế gian cũng làm được. Nhưng đôi lúc chúng ta học chiến thắng xác thịt khi học cách yêu như Chúa, chứ không phải yêu như thế gian yêu. Con người dễ dàng bày tỏ lòng vị tha với những người ”xa lạ” với họ. Và cũng dễ dàng nói lời xin lỗi với họ. Thậm chí nói xin lỗi khi không thực sự cần.
Nhưng với người bạn đời tại sao lại khó tha thứ cho họ đến vậy? Tại sao lại khó nói lời xin lỗi? Có lẽ người mà chúng ta yêu thương thực sự, chúng ta quá mong đợi họ sẽ đối xử với chúng ta cách tốt lành, tất nhiên là theo ngôn ngữ tình yêu của chúng ta. Và khi họ làm điều sai với chúng ta, chúng ta cảm thấy đau đớn vô cùng. Hai tấm lòng càng gần nhau thì khi có nan đề xảy ra, tổn thương càng lớn. Nhưng mà chính sự tổn thương xảy ra đó dạy chúng ta trưởng thành trong sự yêu thương.
Hãy nghĩ về Chúa. Ngài yêu thương con người. Nhưng hết lần này đến lần khác con người chúng ta làm Ngài buồn. Chúa chấp nhận chúng ta dù chúng ta là ai còn chúng ta mong người khác chấp nhận con người mình, nhưng lại khó chấp nhận con người của người bạn đời mình.
Lời Chúa trong 1 Giăng 2-9 thực sự không dễ nghe tí nào. Nhưng thực sự chúng ta là con cái sự sáng mà ghét người bạn đời mình, không tha thứ cho họ, cay đắng, giận dữ… thì theo lời Kinh Thánh, chúng ta vẫn ở trong nơi tối tăm. Có lẽ việc nghe 1 người tin nhận Chúa mà đi ở trong nơi tối tăm, tức là vẫn không vào được nơi sáng láng thì thật đáng tiếc. Nhưng đôi lúc cần hạ mình xuống để nhìn thấy chúng ta thực sự có sự sáng của Chúa hay không. Đức Chúa Trời biết kẻ thuộc ánh sáng của Ngài và kẻ nào thuộc về bóng tối của ma quỷ. Tất nhiên ma quỷ cũng nhận biết. Nhưng chúng ta cần nhìn vào lời Chúa để nhận thấy chính mình. Lời Chúa được mô tả ngọt như mật tàng ong. Nhưng có lúc sẽ khiến cho xác thịt đau đớn, tức giận, phẫn nộ… nhưng đi đến sự ăn năn để thay đổi hay sự chết thì do quyết định của chúng ta.
Chúa là công bình nên chúng ta phải làm điều công bình dù chúng ta cảm thấy người khác có hành động công bình với chúng ta hay không. Chúa là tình yêu thương nên chúng ta đối xử yêu thương dù chúng ta có cảm thấy mình không được đối xử yêu thương. Khi chúng ta hành động ngược với xác thịt của mình, chúng ta đang nên thánh là vậy.
Hôn nhân trong Chúa.